WC trường học: Người dùng cũng phải có trách nhiệm

(Dân trí) - Nói về vấn đề nhà vệ sinh trường học, nhiều phụ huynh cho rằng: “Chúng tôi đã đóng tiền đầy đủ nên nhà trường phải chịu trách nhiệm về việc nhà vệ sinh bẩn, xuống cấp…”. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, trách nhiệm của những người sử dụng cũng đáng xem xét.

Một phụ huynh L có con học ở trường tiểu học Nam Thành Công (Hà Nội) tâm sự: “Mặc dù chúng tôi rất bức xúc vấn đề vệ sinh trường học, nhưng có lẽ lỗi không hẳn thuộc về trách nhiệm của nhà trường hay nhân viên dọn dẹp”.

“Một nhà vệ sinh có tốt đến mấy, nhưng nếu ý thức người sử dụng không được nâng cao thì cho dù có 10 nhân viên cũng không thể giải quyết được vấn đề”, phụ huynh này thẳng thắn nhìn nhận.

Khi bước vào nhà vệ sinh, hầu hết học sinh - sinh viên chỉ biết “dùng” mà không biết cách giữ vệ sinh chung. Ví như tại ĐH Bách khoa Hà Nội, lượng sinh viên nhiều nhưng số người có ý thức sử dụng thiết bị vệ sinh lại chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Một sinh viên tên H cho hay: “Hầu hết sinh viên ở đây chỉ vào “giải quyết” rồi quay người đi luôn chứ ít để ý đến việc xả nước”.

Từ sự vô ý thức của một người kéo theo sự vô ý thức những người kế tiếp làm cho nhà vệ sinh trở nên bẩn thỉu, tắc nghẽn…

Khi được hỏi vì sao có mỗi động tác xả nước mà sao không thực hiện, sinh viên L trường ĐH Xây dựng Hà Nội trả lời: “Em vào đó phải nín thở để đi vệ sinh, “giải quyết” xong thì chỉ muốn chạy ra để thở dốc vì nhà vệ sinh bẩn quá”.

Đấy là ở các cấp học trên, còn ở các cấp học dưới, hầu hết các em đều có suy nghĩ là mình cứ “giải quyết”, còn nhân viên vệ sinh có trách nhiệm phải dọn vì bố mẹ đã đóng tiền cho nhà trường (trong đó có khoản vệ sinh phí).

Chị P, một người có nhiều năm làm nhân viên dọn dẹp nhà vệ sinh ở trường học bức xúc: “Hàng sáng, tôi phải có mặt để dọn dẹp các nhà vệ sinh ở đây. Có những lần bước vào nhà vệ sinh tôi chỉ cảm thấy buồn nôn vì sự bẩn thỉu do người sử dụng để lại. Nhưng cũng phải cố gắng để làm đúng trách nhiệm của mình”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, phụ cấp dành cho nhân viên dọn dẹp ở các trường học chỉ khoảng vài trăm nghìn. Trong khi công việc hàng ngày của họ rất vất vả và chịu nhiều áp lực.

Chị H.A, nhân viên vệ sinh trường ĐH Thuỷ lợi tâm sự: “Hàng tháng lĩnh được vài trăm nghìn nuôi con cái ăn học sao mà nhọc nhằn đến thế. Tại sao cứ quy kết là do nhà trường, nhân viên làm việc không tốt mà không thử hỏi ý thức của người sử dụng đến đâu. Nếu không vì miếng cơm manh áo thì có lẽ tôi bỏ nghề này từ lâu rồi”.

Nhà vệ sinh bẩn thỉu và xuống cấp - câu trả lời không chỉ ở những người làm công tác xây dựng, bảo vệ trường... mà còn chính ở ý thức người sử dụng.

N.H