Khánh Hòa chính thức đề nghị thi lại THCS lần 2:

"Xin dừng lại một ý định sai lầm!"

Có thể nói rằng, đây là một suy nghĩ sai lầm. Cũng có nguồn tin bên lề cho rằng, chỉ dùng kết quả thi lần 2 để xét tuyển "bổ sung" cho đợt tuyển sinh vào lớp 10. Vậy xét tuyển "bổ sung" là xét tuyển như thế nào? Hay đây chỉ là một cách nói?

Lúc 19h30 ngày 15/6, chương trình thời sự của Đài truyền hình Việt Nam thông tin tỉnh Khánh Hòa chính thức đề nghị thi lại lần 2. Điều này khiến hàng nghìn người dân đang theo dõi  sững sờ. Nhiều học sinh (HS) thi đỗ cao trong kỳ thi tốt nghiệp THCS vừa qua hoang mang.

 

Chúng ta hiểu rằng, dù có bất hợp lý, nhưng con số 7.000 HS thi hỏng cũng đè nặng trên vai ngành giáo dục Khánh Hòa. Thi bổ túc hay phổ thông lần 2 hay lần 3, điều đó không quan trọng. Vì thi bổ túc hay phổ thông đều tốn kém tiền bạc, thời gian, công sức như nhau. Hơn nữa, sự mặc cảm tự ti của một bộ phận phụ huynh đối với việc học bổ túc và thi bổ túc đã hình thành từ khá lâu, chưa thể xóa sạch trong một sớm một chiều.

 

Điều mà dư luận hoang mang và bất bình là đã có được thông tin chính thức: Tỉnh Khánh Hòa có ý định dùng kết quả thi tốt nghiệp lần 2 để xét tuyển vào trường THPT công lập. Mặc dù theo thông báo, Bộ GD - ĐT chưa có quyết định cuối cùng.

 

Có thể nói rằng, đây là một suy nghĩ sai lầm. Cũng có nguồn tin bên lề cho rằng, chỉ dùng kết quả thi lần 2 để xét tuyển "bổ sung" cho đợt tuyển sinh vào lớp 10. Vậy xét tuyển "bổ sung" là xét tuyển như thế nào? Hay đây chỉ là một cách nói?

 

Tỷ lệ tuyển sinh hàng năm ở các trường THPT công lập tại Khánh Hòa hiện đang dao động từ 30 - 40% số HS đã tốt nghiệp THCS. Số còn lại học trường bán công, dân lập, bổ túc... theo tinh thần xã hội hóa giáo dục nhằm giảm gánh nặng ngân sách.

 

Tỷ lệ tốt nghiệp 64,15% đã gần gấp đôi số cần tuyển. Vậy tuyển "bổ sung" vào chỗ nào? Giả sử, có tăng thêm chỉ tiêu xét tuyển cũng phải ưu tiên trước hết cho HS đã tốt nghiệp lần 1. Đó là điều hợp lý và là lẽ công bằng. Không ai chấp nhận việc xét tuyển những HS đậu đợt 2 trước những em đã thi đỗ trong đợt 1, dù biết rằng, khả năng tăng chỉ tiêu khó có thể xảy ra.

 

Đau xót trước hàng ngàn HS thi hỏng. Đó là "Nhân". Vì tương lai con em, vì nhiệm vụ phổ cập mà cố gắng tổ chức cho các em thi lại. Đó là "Đức". Nhưng chỉ có "Nhân - Đức" không chưa đủ mà cần phải có bộ óc tỉnh táo, một đôi mắt sáng tinh tường để kiểm soát hành vi thực hiện "Nhân - Đức"! Sai mà vẫn làm, thì "tình" sẽ biến thành "tệ" và chữ Nhân - Đức kia sẽ trở thành những từ phản nghĩa với chính nó.

 

Theo Phương Anh (Khánh Hòa)

Vietnamnet