Xung đột trong các trường đại học ngoài công lập: Hùng Vương, Hoa Sen và còn trường nào nữa?

Đại học ngoài công lập hoạt động vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận? Câu hỏi này được trả lời sau vụ việc vừa xảy ra tại Trường ĐH Hoa Sen. Mâu thuẫn, xung đột trong các trường dù ở dạng nào thì suy cho cùng, học sinh mới chính là người phải gánh chịu hậu quả.

Đại hội cổ đông bất thường ĐH Hoa Sen quyết định cách chức bà hiệu trưởng Bùi Trân Phượng.

Đại hội cổ đông bất thường ĐH Hoa Sen quyết định cách chức bà hiệu trưởng Bùi Trân Phượng.

Mâu thuẫn tiền nong, phe phái

Tại Đại hội cổ đông bất thường ĐH Hoa Sen, những vấn đề đưa ra để tố cáo, tranh cãi cũng chỉ xoay quanh chuyện tiền nong. Mặc dù khi khai sinh ra trường, các nhà sáng lập đặt ra mục tiêu là hoạt động không vì lợi nhuận.

Nhưng để hoạt động được thì phải có tiền, thậm chí nhiều tiền, do đó phải huy động các nhà đầu tư. Đại học Hoa Sen đã có sự đầu tư và hoạt động hiệu quả, nhưng chính từ chuyện ăn ra làm nên mới sinh ra mâu thuẫn. Có ý kiến cho rằng, ĐH Hoa Sen - một trong những mô hình đại học tư thục đầu tiên hoạt động có hiệu quả và uy tín - đang đứng trước nguy cơ “bị chiếm đoạt bởi một nhóm lợi ích” có cổ phần trong công ty.

Những ai là “nhóm lợi ích” thì chưa biết, bởi vì phe phái nào cũng cho là mình đúng. Phía nhóm tổ chức đại hội cổ đông (CĐ) bất thường tố cáo những sai phạm của Hiệu trưởng Bùi Trân Phượng liên quan đến Cty Vĩnh An. Nhưng bà Phượng lại quả quyết mình không sai phạm và phía cổ đông tố cáo không đưa ra được bằng chứng sai phạm.

GS Đỗ Đăng Hưng (tham dự với vai trò là một CĐ) nói “Tôi chưa từng dự một đại hội nào như thế này, đại hội CĐ nhưng chỉ có 2/7 (ông Nguyễn Trung Đức và bà Phạm Thị Thủy) thành viên HĐQT tham dự thì kết quả sẽ như thế nào?”. Đồng thời, ông đưa ý kiến, về phần những sai phạm của HĐQT và hiệu trưởng nhà trường chưa rõ phải xác minh lại cho chính xác và người nào sai phạm thì phải xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên, không nên đưa ĐH Hoa Sen đi vào vết xe đổ của ĐH Hùng Vương.

GS Hưng phát biểu tại hội
nghị CĐ ĐH Hoa Sen.
GS Hưng phát biểu tại hội nghị CĐ ĐH Hoa Sen.

Theo GS Nguyễn Đăng Hưng, bản chất của vấn đề hôm nay là do ĐH Hoa Sen đã phát triển quá nhanh, lợi nhuận tương đối cao. Khi lợi nhuận len vào giáo dục, nó đã gây ra hiện tượng lợi ích nhóm, phe phái và dẫn đến sự việc ngày hôm nay.

Vết xe đổ Hùng Vương thế nào?

Trường ĐH Dân lập Hùng Vương TPHCM được thành lập vào tháng 8.1995. Những sáng lập viên mong muốn xây dựng một trường hoạt động phi lợi nhuận.

Tranh chấp căng thẳng về
con dấu tại ĐH Hùng Vương.
Tranh chấp căng thẳng về con dấu tại ĐH Hùng Vương.

Từ tháng 4.2005 – 5.2011, ngoài 10 nhà đầu tư sáng lập viên ban đầu, trường có thêm các nhà đầu tư mới góp vốn, gồm: Cty CP xây dựng Sài Gòn, Cty CP đầu tư Sài Gòn, Ngân hàng TMCP Miền Tây, Cty CP Kinh Bắc, Cty CP công nghệ viễn thông Sài Gòn và Cty CP ĐTPT Trường ĐH Hùng Vương, với tổng vốn góp đầu tư bổ sung là 50 tỉ đồng. Và, từ tháng 5.2010, Trường ĐH Dân lập Hùng Vương chuyển đổi sang loại hình ĐH tư thục, với tên gọi mới là Trường ĐH Hùng Vương TPHCM (ĐHHV).

Khi nhóm đầu tư mới xuất hiện, với việc sở hữu mạnh hơn về tài chính đã có phần lấn át những sáng lập viên. Trường xuất hiện 2 phe: Một phe thuộc về các sáng lập viên ĐHHV và một phe có nhóm nhà đầu tư mới. Ngày 14.6.2013, UBND TPHCM đã có văn bản không công nhận chức danh hiệu trưởng đối với ông Lê Văn Lý (nguyên Hiệu trưởng ĐHHV từ năm 2006 – 2013).

Tuy nhiên, phía các sáng lập viên, trong đó có ông Lê Văn Lý, đã bất chấp chỉ đạo trên của UBND TPHCM, Bộ GDĐT, tự tổ chức đại hội CĐ bất thường, bầu ra một HĐQT tồn tại song song với HĐQT do ông Đặng Thành Tâm đứng đầu. Và, HĐQT của phe ông Lê Văn Lý đã không bàn giao công việc, không bàn giao con dấu cho HĐQT của phe bên kia...; dẫn đến mâu thuẫn trong tranh chấp con dấu kéo dài suốt năm 2013.

Không phủ nhận những sáng lập viên là những giáo sư, nhà giáo nổi tiếng, họ nhiệt huyết và hết lòng vì sự nghiệp giáo dục; tuy nhiên, một trường ĐH muốn phát triển thì phải cần tiền, cần sức mạnh tài chính. Vì vậy, khi những nhà đầu tư bỏ tiền ra, họ sẽ là người quyết định mọi mặt của trường và dĩ nhiên, sẽ lấn át những sáng lập viên. Sự lấn át này lại được thực hiện đúng quy định của luật pháp, thông qua đại hội CĐ.

Chính vì xung đột giữa nhóm CĐ cũ và nhóm CĐ mới này, đã dẫn đến bất ổn ở ĐHHV cách đây một năm và hiện nay là ĐH Hoa Sen.

Theo Đông Anh – Đăng Hải
Lao động