Ý tưởng trẻ thơ 2014: Hiện thực hóa những ước mơ

(Dân trí) - Không chỉ giúp khơi nguồn sáng tạo cho các em nhỏ lứa tuổi Tiểu học, Cuộc thi Ý tưởng Trẻ thơ 2014 còn là sân chơi thực tế để các nhà phát minh nhí thỏa sức biến ý tưởng sáng tạo trên tranh vẽ thành mô hình sống động.

Sau gần một tháng tìm kiếm nguyên liệu và nghiên cứu cơ chế hoạt động cho mô hình, chủ nhân của 60 ý tưởng xuất sắc nhất chính thức bước vào Vòng Thực hiện & Đánh giá Mô hình để tiếp tục lựa chọn ra 30 mô hình thể hiện ý tưởng sinh động và thực tế nhất bước tiếp vào Vòng Chung kết sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 8 năm 2014.

Nếu như ở vòng thi đầu tiên, Ban Giám khảo không khỏi bất ngờ trước những ý tưởng nhân văn mang tính thời sự của các thí sinh thì tại Vòng Thực hiện & Đánh giá Mô hình, các em nhỏ lại tiếp tục làm Ban Giám khảo ngạc nhiên bởi khả năng sáng chế những mô hình sinh động từ vật liệu có kích thước, chất liệu, hình dáng phù hợp có sẵn trong cuộc sống thường ngày.

Mỗi mô hình là sự tổng hòa của nhiều chi tiết nhỏ, đòi hỏi các em sự kết hợp của nhiều kĩ năng khác nhau như trí tưởng tượng, sự khéo léo, tỉ mỉ và tính kiên trì… Qua phần thi này, cuộc thi Ý tưởng Trẻ thơ mong muốn đem tới những trải nghiệm mới mẻ cho các em nhỏ cũng như tạo cơ hội cho các em phát triển những kĩ năng thực tế và rèn luyện đức tính kiên trì, chấp nhận thử thách để đạt được thành công.

Bằng trí tưởng tượng phong phú, chủ nhân của 60 ý tưởng đã chuyển thể tranh vẽ thành những mô hình sinh động hoàn toàn chinh phục Ban giám khảo. Các em nhỏ đã biết kết hợp chế tạo những vật liệu như bìa các tông, vỏ chai lọ hay quạt tản nhiệt của máy tính bị hỏng, sách báo cũ… thành các tòa nhà, tàu thuyền, cây cối hay các động cơ máy móc.

Hai em Nông Bích Ngọc và Trần Bảo Ngọc đến từ Lạng Sơn rất nhanh trí khi tận dụng chiếc ống hút đã qua sử dụng để tạo ra những chiếc xúc tu uyển chuyển cho chú “Mực cứu hộ”.

Trong khi đó, để tạo ra mô hình “Ti vi 4 mặt”, em Vũ Thủy Tiên tại Hà Nội lại rất cầu kì khi dùng các đoạn ống nhựa sau đó ghép thêm các trục sắt để tạo ra guồng quay cho các hình ảnh chuyển động.

Mô hình Ti vi 4 mặt

Mô hình "Ti vi 4 mặt"

Hay như ba em nhỏ Đỗ Nguyễn Lan Anh, Phạm Nam Anh và Vũ Đào Thiên Ngân ở Tp. Hồ Chí Minh lại khéo léo tận dụng những miếng băng dính trong chiếc cặp sách bị hỏng để tạo ra băng chuyền vận chuyển nước và rác thải trong mô hình “Sân trường thông minh”...

Mô hình Sân trường thông minh

Mô hình "Sân trường thông minh"

Có thể nói, sáng tạo ý tưởng đã khó, nhưng biến ý tưởng trên giấy thành mô hình sống động thì lại càng khó hơn.

Để tạo ra hai ống hút trong mô hình “Xe ô tô hình con ếch tự động hút mủ cao su”, nhóm thí sinh Nguyễn Thị Ngọc Hân, Nguyễn Thị Ngân, Nguyễn Thị Kim Ngân tại Bình Dương đã phải lựa chọn nguyên liệu rất vất vả trước khi tìm được “cứu cánh” là ống tạo ô xi trong bể cá.

Hay như em Trần Diệp Anh, phải nhờ thầy giáo tư vấn mới tìm ra phương án dùng đường ray từ ngăn kéo tủ bị hỏng để làm băng chuyền trong nhà máy trong mô hình “Nhà máy sắc màu”.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện mô hình, hầu hết các em đều gặp phải những khó khăn như việc cưa, cắt những vật liệu cứng nhưng những khó khăn đó càng thúc đẩy các em quyết tâm hơn để hoàn thiện mô hình sao cho độc đáo, sống động và giống với ý tưởng ban đầu nhất.

Chia sẻ về vòng thi Thực hiện và Đánh giá Mô hình, ông Nguyễn Hữu Hạnh - Trưởng Ban giám khảo, cho biết: “Cuộc thi Ý tưởng Trẻ thơ được tổ chức hàng năm với mong muốn tạo ra một sân chơi bổ ích và lý thú cho trẻ em Tiểu học, nơi các em không chỉ được thỏa sức sáng tạo, đưa ra ý tưởng, giải pháp giúp cuộc sống tốt đẹp hơn mà còn được bắt tay vào biến ý tưởng thành hiện thực”.

Từ các tiêu chí được xuyên suốt cuộc thi, đó là tính nguyên bản giữa tranh vẽ và mô hình, tính sáng tạo về chuyển động của mô hình, tính logic của bài giải thích, cách sử dụng nguyên vật liệu và tiêu chí tổng quan trong cách phối màu và bố cục của mô hình, Ban Giám khảo sẽ chọn ra 30 mô hình xuất sắc nhất vào Vòng Chung kết tổ chức tại Hà Nội trung tuần tháng 8.

PV