Nữ thủ khoa mê vẽ

(Dân trí)-Dù ba má muốn con gái thi học làm bác sĩ, giáo viên, nhưng Huỳnh Thị Mỹ Linh quyết tâm và thuyết phục gia đình cho em thi vào ngành học mơ ước với niềm đam mê vẽ từ nhỏ. Cô học trò xứ Quảng vừa đỗ thủ khoa ngành Kiến trúc, ĐH Bách khoa Đà Nẵng.


Clip: Tân thủ khoa ngành Kiến trúc, ĐH Bách khoa Đà Nẵng chia sẻ niềm đam mê vẽ và quyết tâm thuyết phục gia đình để được theo ngành học như mơ ước (Thực hiện: Khánh Hiền)

Chúng tôi đến nhà nữ thủ khoa ở xã Điện Nam Trung (huyện Điện Bàn, Quảng Nam) khi niềm vui Mỹ Linh thi đỗ thủ khoa còn rộn ràng trong ngôi nhà nhỏ ấm cúng. Linh đỗ thủ khoa ngành Kiến trúc, ĐH Bách khoa Đà Nẵng với tổng điểm thi 36 điểm; trong đó điểm trung bình môn Văn 5 học kỳ ở cấp THPT đạt 7,5 điểm; Toán 8 điểm nhân hệ số 1,5; và môn Vẽ 8,25 điểm nhân hệ số 2.

Huỳnh Thị Mỹ Linh - tân thủ khoa ngành Kiến trúc, ĐH Bách khoa Đà Nẵng.
Huỳnh Thị Mỹ Linh - tân thủ khoa ngành Kiến trúc, ĐH Bách khoa Đà Nẵng.

Linh nói, lúc thi xong em chỉ nghỉ là làm bài thi được, chắc là đỗ chứ em không hề nghĩ là thi đỗ thủ khoa. “Đề thi môn Vẽ năm nay khó. Với một mẫu lớn và nhiều chi tiết như mẫu đề thi môn Vẽ năm nay của ĐH Bách khoa Đà Nẵng, thường phải cần đến 4 tiếng mới hoàn tất bản vẽ hoàn chỉnh. Nhưng thời gian làm bài thi chỉ có 3 tiếng, em phải canh thời gian vẽ sao cho kịp nên vẽ rất nhanh. Tập trung hết sức chỉ còn 30 phút cuối cùng để chỉnh sửa hoàn tất bản vẽ. Nên em không nghĩ mình sẽ đạt điểm quá cao để có thể đạt thủ khoa. Có thể là em may mắn” - tân thủ khoa ngành Kiến trúc của ĐH Bách khoa Đà Nẵng chia sẻ.

Để được thi vào ngành học mơ ước, cô học trò mê vẽ từ thưở nhỏ đã thể hiện quyết tâm và thuyết phục gia đình. Cô Võ Thị Mãi, mẹ của Linh kể: “Ba má muốn con gái thi học làm bác sỹ hay làm giáo viên, chứ theo cái nghề Kiến trúc ni cực lắm. Rứa mà thấy con ham quá cũng chiều theo ý con thôi. Bé Linh ham học vẽ và có năng khiếu nên vẫn thường đi thi vẽ từ những năm học Tiểu học”.

Huỳnh Thị Mỹ Linh - tân thủ khoa ngành Kiến trúc, ĐH Bách khoa Đà Nẵng.
Để theo đuổi ngành học mơ ước với đam mê vẽ từ thuở nhỏ, Mỹ Linh đã thể hiện quyết tâm và thuyết phục ba mẹ.

Ba làm thợ điện, mẹ làm công nhân vừa đủ nuôi hai chị em Linh ăn học. Dù cho có lúc rất khó khăn nhưng hai vợ chồng vẫn quyết tập trung lo cho con ăn học. Bởi, ba mẹ Linh cùng suy nghĩ rằng hồi xưa mình học cũng được mà nhà nghèo không có điều kiện học tới nơi tới chốn. Nên giờừ thấy con mình ham học, khó khăn mấy cũng tập trung lo cho con học. “Từ hồi nhỏ, bé Linh đã đảm việc nhà từ nấu nướng cho tới phụ mẹ chăn nuôi heo gà tăng gia sản xuất trong nhà. Tới khi Linh học lên cấp THPT, nhất là năm lớp 12, bài vở quá nhiều nên gia đình không để cháu làm việc gì để cháu tập trung vào học. Từ bữa thi đại học xong, là cháu lại quay ra phụ giúp ba mẹ công việc nhà”- mẹ Linh kể về con gái.

Linh thi đỗ thủ khoa là niềm vui nhưng dường như niềm vui không quá bất ngờ với gia đình. “Con nhà không khá giả chi mà con bé học giỏi từ hồi mô tới chừ” - cậu của Linh đến chia vui với gia đình góp lời khen cháu. Cả 12 năm học phổ thông, Linh đều đạt học sinh Giỏi toàn diện, là một trong những học sinh học giỏi nhất nhì khối các năm học ở Trường THPT Lương Thế Vinh (huyện Điện Bàn, Quảng Nam)

Còn với riêng môn Vẽ, thầy Trần Tấn Sơn, thầy giáo dạy vẽ cho Linh ở Trung tâm hỗ trợ học sinh sinh viên Đức Kiến nhận xét: “Trong số các em theo học Vẽ ở Trung tâm, Linh luôn là một trong top 3 học sinh xuất sắc nhất. Linh bắt đầu học từ cách đây 2 năm. Từ khi mới vô học, em đã thể hiện có năng khiếu, đặc biệt là cảm nhận về chất liệu của Linh rất tốt. Vừa có năng khiếu, em Linh lại vừa rất chăm chỉ, lúc đang tập trung thi học kỳ, thi tốt nghiệp vẫn không bỏ một buổi học vẽ nào. Trời mưa trời gió, có hôm đang lũ lụt mà cũng thấy em Linh lọ mọ tới lớp học”.

Những bản vẽ của Mỹ Linh.

Những bản vẽ của Mỹ Linh.
Những bản vẽ của Mỹ Linh.

Nữ thủ khoa ngành Kiến trúc chia sẻ kinh nghiệm: “Trong lúc bài thi, cần nhất là tâm lý thoải mái, bình tĩnh để nắm bắt đề bài và xác định hướng, thời gian hoàn tất từng phần chi tiết trong bài thi. Với ngành Kiến trúc, em được các anh chị học trên chia sẻ và cũng tự mình cảm nhận là bên cạnh năng khiếu phải có niềm đam mê, bền bỉ với niềm đam mê của mình thì mới có thể theo đến cùng. Bởi ngành học rất khó khăn, nếu không đam mê, bền chí sẽ dễ nản mà bỏ giữa chừng”.

Khánh Hiền