Chuyên gia tội phạm học giúp sinh viên trường nghề “bóc mẽ” các hành vi phạm tội

(Dân trí) - Trước tình hình tội phạm đang gia tăng nhanh chóng, sinh viên các trường chuyên nghiệp dễ bị cuốn hút vào tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật, Trung tá, NCS Đào Trung Hiếu - Chuyên gia tội phạm học của Bộ công an đã phân tích, cảnh báo các nguy cơ và hậu quả đối với gần 1000 sinh viên trường nghề nếu không làm chủ được bản thân, mắc vào các tệ nạn xã hội nguy hiểm như ma túy, cờ bạc…

Ngày 21/5/2017 tại trường Cao đẳng nghề Cơ điện Phú Thọ (huyện Thanh Ba, Phú Thọ), Trung tá, NCS Đào Trung Hiếu - Chuyên gia tội phạm học của Bộ công an đã có buổi nói chuyện chuyên đề, tư vấn cho gần 1000 sinh viên nhà trường về kĩ năng phòng chống tội phạm ma túy, bạo lực học đường, phòng chống đột nhập, cướp tài sản, lừa đảo xin việc, lừa đảo bằng công nghệ cao và tư vấn cách xác định mục tiêu cuộc sống…

Buổi trao đổi đã thu hút đông đảo sinh viên và cán bộ nhà trường tham gia. Sau hơn 3 giờ làm việc, nhiều vấn đề thiết thực gắn với cuộc sống sinh viên đã được Trung tá Hiếu trao đổi với phong cách dí dỏm, nhẹ nhàng.

Chủ đề phòng chống tội phạm được trao đổi bao gồm các kỹ năng phòng ngừa các loại tội phạm phổ biến hiện nay (như phòng chống tội phạm ma túy, bạo lực học đường, phòng chống đột nhập, cướp tài sản, lừa đảo xin việc, lừa đảo bằng công nghệ cao, lừa đảo bán hàng đa cấp…) và phòng ngừa khả năng chính mình trở thành tội phạm hoặc bị thu hút vào tệ nạn xã hội.


Chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu giúp sinh viên trường nghề “bóc mẽ” các hành vi phạm tội.

Chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu giúp sinh viên trường nghề “bóc mẽ” các hành vi phạm tội.

Trung tá Hiếu khẳng định tầm quan trọng của việc xác định mục tiêu cuộc đời. Nếu không có kỹ năng quản trị cuộc đời mình, thì tương lai mỗi người sẽ vô định, bấp bênh và bị xô đẩy trong dòng đời vốn dĩ phức tạp. Ông khẳng định: “Khi đã xác định được rõ mục tiêu của cuộc đời mình và các bước hiện thực hóa mục tiêu đó, sinh viên sẽ xa lánh được tội phạm, không bị hấp dẫn, thu hút vào tệ nạn xã hội. Đồng thời chủ động trong học tập để lĩnh hội kiến thức, phục vụ việc lập thân, lập nghiệp, kiến tạo cuộc sống tốt đẹp sau khi ra trường”.

Khi được hỏi về những kế hoạch, dự định sau khi ra trường, nhiều sinh viên rụt rè, ấp úng chia sẻ về mong ước có một công việc làm công, với thu nhập vài triệu đồng/tháng và hầu như chưa có ai đặt câu hỏi rằng mình sẽ là gì trong 10 năm tới. Trung tá Hiếu nói: “Các em hãy biết ước mơ, đừng hà tiện rụt rè trong cả giấc mơ của mình, hãy đặt ra mục tiêu đủ lớn trong phạm vi nguồn lực của mình, để có động lực theo đuổi. Quan trọng hơn, phải biết cụ thể hóa mục tiêu thành kế hoạch trong các khoảng thời gian nhất định và quyết tâm thực hiện đến cùng điều đã dự kiến”. Vị chuyên gia này cũng khuyến khích các sinh viên trường nghề mạnh dạn đặt ra mục tiêu trở thành chủ doanh nghiệp, sử dụng kiến thức được trang bị trong nhà trường vào công cuộc mưu sinh sau này, hòa cùng dòng chảy của tinh thần khởi nghiệp trong xã hội ta hiện nay.

Trước tình hình tội phạm đang gia tăng nhanh chóng, sinh viên các trường chuyên nghiệp dễ bị cuốn hút vào tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật, Trung tá Hiếu đã phân tích, cảnh báo các nguy cơ và hậu quả đối với cuộc đời nếu không làm chủ được bản thân, mắc vào các tệ nạn xã hội nguy hiểm như ma túy, cờ bạc…Bên cạnh đó, vị chuyên gia này đã tư vấn cách nhận diện và kỹ năng phòng tránh các hành vi phạm tội thường xảy ra trong cuộc sống học đường và bên ngoài xã hội.

Giải thích về lý do tổ chức buổi tư vấn kỹ năng sống, bà Trần Thị Thúy Lan, Phó hiệu trưởng cho biết, từ nhiều năm qua trường Cao đẳng nghề Cơ điện Phú Thọ không chỉ chú trọng đào tạo, trang bị kiến thức, thực hành nghề cơ điện cho sinh viên, mà nhà trường luôn quan tâm đến việc bồi dưỡng, giáo dục các kĩ năng sống, các kĩ năng phòng chống tội phạm cho sinh viên. Bởi vì đây là những kiến thức rất bổ ích, giúp sinh viên định hướng mục tiêu cuộc sống và cách ứng xử khôn ngoan khi đối mặt với các tình huống nguy hiểm. “Các học sinh đều đang trong độ tuổi chập chững, vì sau khi học hết trung học cơ sở, các em vào trường và được dạy luôn nghề kết hợp với bổ túc văn hóa, dù rút ngắn thời gian từ 3 đến 4 năm học so với các học sinh lựa chọn học đại học, nhưng phương châm của nhà trường vẫn đảm bảo cho các em được đào tạo kĩ năng một cách toàn diện, tham gia vào thị trường lao động vừa có tay nghề cao, vừa có kỹ năng sống tốt” - bà Lan chia sẻ.

Được biết đây cũng là nỗ lực của thầy và trò của trường để giữ vững và nâng cao chất lượng ngôi trường vốn đã có hơn 40 năm truyền thống, được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công nhận đạt cấp độ 3, cấp độ cao nhất về kiểm định chất lượng dạy nghề liên tục hai giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2014.

Hồng Phúc