Quảng Ngãi: Dành 244 tỷ đồng tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

(Dân trí) - Tỉnh Quảng Ngãi vừa quyết định chi 244 tỷ đồng để thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số từ năm 2017 đến năm 2025.

Tại Quảng Ngãi, con em trong các gia đình đồng bào dân tộc Hre, Cor, Ca Dong ở 6 huyện miền núi khi ra lớp vẫn giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ. Mặc dù đã được tăng cường tiếng Việt trong thời gian hè, trước khi vào lớp 1 nhưng vốn tiếng Việt của các em không nhiều, làm hạn chế khả năng giao tiếp và hạn chế trong việc tiếp thu bài giảng các môn văn hóa.

Kết quả khảo sát trong năm học 2015 - 2016, toàn tỉnh có gần 1.000 học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số chưa hoàn thành chương trình học tập, trong đó có trên 52% chưa hoàn thành môn tiếng Việt. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên mầm non và tiểu học dạy các địa bàn miền núi còn quá thiếu; nhiều giáo viên không biết tiếng của các dân tộc thiểu số nên gặp khó khăn trong giảng dạy.


Nhiều học sinh các dân tộc thiểu số sử dụng tiếng mẹ đẻ khi đến lớp làm hạn chế trong việc tiếp thu kiến thức.

Nhiều học sinh các dân tộc thiểu số sử dụng tiếng mẹ đẻ khi đến lớp làm hạn chế trong việc tiếp thu kiến thức.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành và triển khai thực hiện Quyết định 80 về triển khai Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025.

Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 35% trẻ em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi nhà trẻ và 90% trẻ em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi mẫu giáo được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi. Hàng năm, 100% học sinh chuẩn bị vào lớp 1 là người dân tộc thiểu số được tập trung tăng cường tiếng Việt trong hè, các môn học và hoạt động giáo dục trong và ngoài giờ lên lớp.

Tỉnh Quảng Ngãi quyết định chi 244 tỷ đồng để thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số từ năm 2017 đến năm 2025.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Dũng, việc ban hành và triển khai thực hiện Đề án về tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025 là rất kịp thời, nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án này, cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, mà chủ công là ngành giáo dục. Trong đó, có sự đóng góp rất lớn của các thầy cô giáo, người trực tiếp đứng lớp, dạy học cho trẻ tại các huyện miền núi.

Hà Xuyên