1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

15 ô tô Vinaxuki sản xuất từ năm 2012 được rao bán

Mỹ Tâm

(Dân trí) - Khoản nợ gốc 82,4 tỷ đồng của Vinaxuki hiện đã lên tới gần 250 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm là 15 ô tô Vinaxuki sản xuất từ năm 2012, chưa hoàn thiện trong kho, đang được VietinBank AMC rao bán.

Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank AMC) mới đây thông báo xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ của Công ty cổ phần Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki (Vinaxuki).

Khoản nợ gốc 82,416 tỷ đồng của Vinaxuki tính đến ngày 4/7 có số lãi phát sinh lên đến 166,1 tỷ đồng. Tổng giá trị khoản nợ là 248,5 tỷ đồng.

Tài sản bảo đảm là 15 ô tô tải thương hiệu Vinaxuki đang trong kho nhà máy Vinaxuki Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc). Các xe đều chưa hoàn thiện để xuất xưởng, được sản xuất từ năm 2012. Mức giá khởi điểm cũng như tình trạng hiện tại của lô xe này không được công khai. 

Năm 2012 cũng là thời điểm Vinaxuki trình làng mẫu xe 4 chỗ giá rẻ tại Triển lãm về ô tô - xe máy.

Những chiếc xe này là tâm huyết của ông Bùi Ngọc Huyên - Chủ tịch Vinaxuki. Tuy nhiên, ô tô "Made in Vietnam" đầu tiên này chỉ dừng lại ở việc xuất hiện tại triển lãm.

15 ô tô Vinaxuki sản xuất từ năm 2012 được rao bán - 1

Xe "Made in Vietnam" đầu tiên xuất hiện năm 2012 (Ảnh: IT).

Thực tế, không phải lần đầu tài sản của Vinaxuki bị ngân hàng rao bán. Các ngân hàng những năm trở lại đây vẫn thường đăng tải thông tin về việc rao bán các khoản nợ hoặc tài sản của Vinaxuki.

Năm ngoái, Vietcombank chi nhánh Thăng Long rao bán đấu giá hệ thống máy móc, thiết bị tại nhà máy sản xuất ô tô số 1 thuộc chi nhánh Vinaxuki tại huyện Mê Linh, Hà Nội.

Giá khởi điểm cho khối tài sản đảm bảo này là 33,128 tỷ đồng. Đây là tài sản đã được tòa án tuyên thuộc quyền sở hữu của ngân hàng, do đó phiên đấu giá diễn ra tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Mê Linh.

BIDV cũng từng thông báo bán đấu giá khoản nợ trị giá 1.265 tỷ đồng của Vinaxuki chi nhánh Thái Nguyên. 

Vinaxuki đầu tư vào làm xe con từ năm 2009, công ty từng có lãi và giai đoạn đó cũng có đối tác muốn tham gia góp vốn, song tất cả đã dừng lại vào năm 2012 khi công ty gặp khó khăn về vốn.

Lãnh đạo công ty này từng chia sẻ với báo giới rằng công ty không được vay vốn dài hạn mà phải vay ngắn hạn với lãi suất cao. Lúc đầu, công ty vay vốn ngắn hạn, quay vòng trả nợ được, nhưng vào thời điểm khủng hoảng tài chính năm 2011-2012, sản phẩm ứ đọng, công ty không có tiền để trả ngân hàng.

Năm 2013, tổng dư nợ của Vinaxuki tại 4 ngân hàng lên đến 940 tỷ đồng. Ông Bùi Ngọc Huyên khi ấy cho biết đã phải bán nhà cửa, vét từng đồng lấy tiền trả lãi để được tái cơ cấu từ vốn vay ngắn hạn sang dài hạn nhưng các ngân hàng cũng không cho vay nữa.

Sau đó, các khoản vay của Vinaxuki bị đưa vào nợ xấu và bị yêu cầu bàn giao tài sản để ngân hàng rao bán.