1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Bất động sản lao dốc, tỷ phú Trung Quốc quay sang buôn du thuyền

(Dân trí) - Trong bối cảnh thị trường bất động sản u ám, nhiều tỷ phú Trung Quốc đang chuyển hướng sang một ngành mới nhưng đầy hứa hẹn: kinh doanh du thuyền và các dịch vụ gắn với loại phương tiện giải trí của giới siêu giàu này.

Hút điếu xì gà hiệu Cohiba bên trong căn phòng cao cấp tại khách sạn du thuyền hoàng gia Visun, tỷ phú Wang Dafu, ông chủ của tập đoàn bất động sản (BĐS) Visun Group nhìn xuống khu bến du thuyền mình xây dựng tại khu vịnh Sanya ở phía Nam Trung Quốc và kể về một ngày hoàn hảo của mình.

Số lượng du thuyền tại Trung Quốc được dự báo tăng trưởng mạnh
Số lượng du thuyền tại Trung Quốc được dự báo tăng trưởng mạnh

“Tôi làm việc vào buổi sáng còn buổi chiều thì lái du thuyền ra biển”, ông Wang, 47 tuổi, chủ nhân của chiếc du thuyền có giá 5 triệu USD, mua từ tập đoàn Ferretti Group của Italia năm 2008, cho biết. “Khi neo được thả xuống, bạn có thể tận hưởng sự tĩnh tại, và nó có thể giúp giải quyết những rắc rối trong công việc”.

Với khối tài sản được Bloomberg ước tính ít nhất 1,2 tỷ USD, ông Wang giàu lên chủ yếu giờ các dự án bất động sản và khách sạn tại đảo Hải Nam và tỉnh Quảng Đông. Nhưng nay, khi thị trường nhà ở lao dốc, ông quyết định chuyển hướng sang xây dựng các câu lạc bộ du thuyền trong bối cảnh giới “đại gia” Trung Quốc ngày càng ưa thích các chuyến du ngoạn trên du thuyền theo kiểu phương Tây.

Đến nay công ty của ông Wang đã đầu tư hơn 800 triệu nhân dân tệ (khoảng 130 triệu USD) vào dự án CLB du thuyền hoàng gia Visun tại Sanya, một thành phố ven biển, cách Hong Kong 644 km về phía Đông Nam. CLB này đã thu hút hơn 700 thành viên với 216 bến đậu.

“Tôi rất lạc quan về ngành du thuyền và đó là cả một giấc mơ lớn”, ông Wang nói. “Tôi dành 80% sức lực cho ngành du thuyền nhưng hiện mới chỉ thu được 20% lợi nhuận từ đây. Trong tương lai tỷ lệ này sẽ được đảo ngược”.

Hiện Wang còn đang định mở một CLB du thuyền thứ hai với 400 bến đỗ vào cuối năm tại Thâm Quyến. Trong 8 năm tới, kế hoạch của ông là cho ra đời thêm 3 CLB nữa tại Thượng Hải và Phúc Kiến.

Tạp chí phố Wall dẫn thống kê của Ủy ban thương mại Italia cho biết, hiện cứ 318 cá nhân được xếp vào hàng giàu có tại Trung Quốc đại lục mới có 1 người sở hữu du thuyền. Trong khi đó tỷ lệ này ở Hong Kong là 1/25.

Nhưng tiềm năng của của thị trường là rất lớn bởi theo khảo sát của tạp chí Hồ Nhuận có trụ sở tại Thượng Hải, có tới hơn một nửa những người Trung Quốc có tài sản trên 1,5 triệu USD bày tỏ mong muốn sở hữu du thuyền.

Rào cản pháp luật và hạ tầng

Trung Quốc có thể đã trở thành thị trường hàng xa xỉ lớn nhất thế giới, và tiềm năng của ngành du thuyền là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều trở ngại cho những người muốn sở hữu du thuyền.

Theo chủ tịch của Ferretti Group, tập đoàn cung cấp du thuyền danh tiếng của Italia, thì rào cản chính là ở khuôn khổ pháp luật và cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được loại hình giải trí cao cấp này.

“Chúng tôi mới chỉ bán được một du thuyền tại Trung Quốc và đó là cho một khách hàng Hong Kong”, ông Lamberto Tacoli khẳng định với tạp chí phố Wall bên lề một cuộc triển lãm du thuyền tại Trung Quốc hồi đầu tháng.

“Tại Trung Quốc chúng tôi phải chờ rất nhiều giấy phép, cứ như thể đang cung cấp một chiếc tàu chiến vậy. Đó là một sự xâm phạm quyền riêng tư và tự do. Hồi năm ngoái, khi muốn đưa một vài khách hàng tiềm năng tại Hải Nam đi một tour ngắn, chúng tôi đã phải cung cấp tên của khách hàng và số hộ chiếu của họ trước đó rất lâu”, ông Tacoli chia sẻ tiếp.

“Một vấn đề khác đó là sự thiếu hụt các dịch vụ và nhân sự chuyên biệt tại Trung Quốc, ví dụ như thuyền trưởng và đầu bếp. Các khu nghỉ dưỡng cũng thường không có được vị trí sang trọng. Khách hàng phải đậu du thuyền chung với tàu cá ở những nơi xa các khu trung tâm mua sắm và khách sạn cao cấp.

Người châu Á cũng không thực sự quan tâm tới biển, không như người Địa Trung Hải. Họ thường che ô khi đi ra đường để tránh nắng. Sự thay đổi về văn hóa sẽ chỉ diễn ra từ từ. Nhiệm vụ của chúng tôi chính là hỗ trợ cho sự thay đổi đó và giúp mọi người yêu thích biển cả hơn”.

Thanh Tùng
Tổng hợp