1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Chị em công sở "đốt tiền" với trào lưu mua sắm trong nhóm kín

Ong Thùy Dương

(Dân trí) - Mua sắm trên các hội nhóm trên mạng xã hội là trào lưu cũ. Gần đây, nhiều chủ shop online tạo ra các nhóm kín, kết nối tệp khách quen. Hình thức này đang thành trào lưu mới.

Chị Lan (Hà Nội) đã mua hàng online hơn 10 năm nay. Những năm đầu, khi mạng xã hội chưa nở rộ, chị mua trên các diễn đàn mạng kiểu webtretho, lamchame... Sau này, khi buôn bán trên mạng xã hội nở rộ, chị mua hàng qua Facebook, thông qua các hội nhóm công khai lên tới cả trăm nghìn thành viên. 

Khác với đa số người tiêu dùng thường chọn các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Sendo, Tiki..., gần đây, chị Lan chuyển sang mua hàng trên các private group (nhóm kín) do chính các chủ shop online lập ra. 

Không ai biết kiểu mua bán trên các private group phát sinh lúc nào. Tuy nhiên, khoảng vài tháng nay, cách mua bán này đang dần trở thành trào lưu. Theo chị Lan, các nhóm kín kiểu này khác với những nhóm bán hàng trên Facebook kiểu công khai cả vài chục nghìn, vài trăm nghìn thành viên.

Chị em công sở đốt tiền với trào lưu mua sắm trong nhóm kín - 1

Mua sắm online ngày càng xuất hiện nhiều trào lưu mới (Minh họa: Pinterest).

"Nhóm kín kiểu này thường chỉ có vài trăm hoặc vài nghìn thành viên, đa số là khách "ruột" hay bạn bè của một chủ shop nào đó. Hàng hóa trong những nhóm kín này cũng thường khá tập trung: nhóm thì chuyên hàng thời trang, nhóm lại chuyên mỹ phẩm, nhóm chuyên hoa, nhóm chuyên đồ ăn...", chị Lan chia sẻ.

Là khách của khoảng 5-7 nhóm kín như vậy, chị Lan cho biết gần như đáp ứng đủ nhu cầu hàng hóa cho cả gia đình mà không phải đi mua sắm trực tiếp. Chị mua hầu như mọi thứ trên các nhóm như vậy, từ quần áo, mỹ phẩm, hoa, đồ ăn, đồ gia dụng, đồ trang trí... 

Tóm lại, với bất cứ nhu cầu nào, người tiêu dùng cũng có thể mua bán trên nhóm kín. 

Cũng thường xuyên mua hàng trên nhóm kín, chị Ngọc (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay mua bán ở nhóm kín mang lại cảm giác tin tưởng bởi người mua biết rõ nguồn gốc sản phẩm, uy tín và thông tin cá nhân của người bán. Lâu dần, người mua ở những nhóm kín có mối quan hệ và độ tin tưởng nhất định dành cho người bán. Nếu đủ lớn, người mua sẵn sàng thêm bạn bè của mình vào để cùng mua sắm.

Điểm nổi bật nhất của các nhóm kín, đặc biệt là nhóm kín kinh doanh thời trang, mỹ phẩm đó là khả năng "săn sale" của người bán hàng.

Đối với thời trang nhanh (fast fashion), người mua trong nhóm kín có thể mua được mức giá rẻ từ 20%, 30%, thậm chí có mẫu lên tới 50%, 70% so với giá niêm yết. Việc "săn sale" này áp dụng cho cả các thương hiệu thời trang bình dân như H&M, Zara, tới phân khúc cao cấp hơn như Massimo Dutti, Ted Baker, Calvin Klein…

Với những nhóm kín chuyên kinh doanh thời trang được đặt (order) từ các hãng nổi tiếng thế giới, việc gom order giúp người bán không gặp tình trạng hàng tồn, người mua được mua món đồ đúng với sở thích với giá chiết khấu cao. 

Hà Nguyễn - chủ một nhóm kín chuyên gom các mặt hàng cho mẹ và bé - cho biết lập nhóm kín giúp công việc buôn bán của chị tăng tiến thêm một bậc mới. Từ ngày có nhóm kín, Facebook cá nhân của Hà "sạch" hơn. Hà Nguyễn dường như chỉ đăng các bài bán hàng trong nhóm kín dành cho những người có nhu cầu, không đăng ở trang cá nhân để tránh làm phiền người khác.

Chị em công sở đốt tiền với trào lưu mua sắm trong nhóm kín - 2

Người bán và người mua dễ dàng làm bạn sau một thời gian tương tác trong nhóm kín (Minh họa: Pinterest).

Ngoài ra, việc bán hàng trong nhóm kín có lượng tương tác thật hơn nhiều so với bán hàng trên trang cá nhân hay fanpage. Hà Nguyễn không tốn tiền cho chi phí chạy quảng cáo. Thỉnh thoảng, chị tổ chức các minigame để tri ân khách hàng thân quen.

Bán hàng trong nhóm kín giúp Hà Nguyễn quản lý đơn hàng dễ hơn bởi tất cả đều tập trung trong nhóm. Việc biến khách hàng thành khách quen, thành bạn bè, là mong muốn cuối cùng của người bán hàng và việc bán trong nhóm kín giúp người bán dễ dàng hơn trên hành trình này.

Số lượng đơn hàng bị "bom" trong nhóm kín giảm hơn so với bán hàng qua fanpage. Tuy vẫn có những khách hàng mới vào nhóm, mua thử một vài lần và không thích chờ đợi thời gian order nên đã hủy đơn. Dù vậy, tỷ lệ này là không nhiều. Với những mặt hàng bị hủy, người bán dễ dàng thanh lý lại với giá bằng hoặc thấp hơn một chút so với giá vốn.

Theo Hà Nguyễn, nếu xác định bán hàng ở mạng xã hội, người bán nên lập nhóm kín để tập hợp được một lượng khách quen, những người có gu mua sắm giống với người bán. Như vậy, số lượng đơn hàng bán được sẽ cao hơn.

Hootsuite, website chuyên tư vấn kinh doanh trên mạng xã hội, dẫn lời chuyên gia kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội Michelle Martin cho biết, để có một nhóm kín hoạt động kinh doanh hiệu quả, người bán hàng (người lập nhóm) cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử rõ ràng.

Tại đây, người bán nêu ra các quy tắc bán, quy tắc mua, những điều được và không được làm trong nhóm. Tiếp theo, người bán cần xây dựng các chương trình chào mừng, tri ân thành viên. Dù tiếp thị bằng cách nào, điều quan trọng nhất của kinh doanh trong nhóm kín là chất lượng sản phẩm và uy tín của người bán.

"Hãy mang lại cảm giác tin tưởng cho người mua và những mã giảm giá chất lượng, người mua sẽ tự tìm đến nhóm kín của bạn", Michelle Martin chia sẻ.