1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

“Chú trọng khả năng thanh toán của bên đi vay”

(Dân trí) - TS. Supachai Phanitchpakdi, Tổng thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) đã nhấn mạnh như vậy về một trong những việc mà Việt Nam cần làm, nhằm tránh nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng của Mỹ hiện nay.

Từ thực tế tại Mỹ cho thấy, châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng cũng đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng nếu không giải quyết tốt những vấn đề của thị trường tài chính, tiền tệ. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Để ngăn ngừa và hạn chế khủng hoảng, hệ thống tài chính toàn cầu phải được cải cách sâu và rộng. Các cơ quan tài chính của châu Á cũng cần phối hợp chặt hơn nữa về mặt tài chính tiền tệ.

Chúng ta đã học được nhiều từ các cuộc khủng hoảng. Chẳng hạn khủng hoảng năm 1997 tại Thái Lan, người ta cho rằng nguyên nhân là do quan hệ thân quen móc ngoặc lẫn nhau, nhưng theo tôi, đây là khủng hoảng mang tính cơ cấu, hệ thống do thả nổi tỷ giá hối đoái, thâm hụt vãng lai nằm ngoài tầm kiểm soát...

Các chính sách tiền tệ này sẽ không cản trở việc chống lạm phát mà nó giúp duy trì sự ổn định và tăng cường sự giám sát, tính minh bạch trong hoạt động tài chính ngân hàng.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng tại Mỹ hiện nay là do hiện tượng bong bóng nhà đất, Chính phủ nhẹ tay với hoạt động cho vay địa ốc. Vì vậy Việt Nam cần đặc biệt chú trọng tới khả năng thanh toán của các bên đi vay.

Ông đánh giá thế nào về các biện pháp chống lạm phát hiện nay của Chính phủ Việt Nam?

Cách kiểm soát lạm phát hiện nay của Chính phủ Việt Nam là đi đúng hướng và đã phát huy hiệu quả rõ ràng.

Chúng ta không lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế Việt Nam bởi danh mục đầu tư của Việt Nam rất đa dạng. Tôi không lo các bạn thiếu vốn hay thiếu dự án đầu tư mà tôi lo làm sao chúng ta hài hoà được các dự án đầu tư này và nhu cầu của nền kinh tế Việt Nam

Việt Nam có nên hạ lãi suất cơ bản hay không, thưa ông ?

Tôi nghĩ hạ lãi suất là một xu hướng khó tránh khỏi. Việc thắt chặt tiền tệ phải được thực hiện song song với chính sách tài khóa, bởi nếu thắt chặt quá mức sẽ làm giảm cầu của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, lạm phát ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là do giá tăng, cộng thêm yếu tố lương chịu sức ép tăng theo giá, tác động xấu đến việc kiểm soát lạm phát của Chính phủ.

Đồng thời, nếu chúng ta thái quá trong chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ giết chết sáng kiến của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, tôi cũng nhấn mạnh đầu tư công, đầu tư Nhà nước vẫn luôn luôn cần thiết, bởi chúng ta không thể quá trông chờ vào khu vực kinh tế tư nhân để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, những công trình cần rất nhiều vốn như nhà máy điện, cảng biển... Tốt nhất Việt Nam nên xây dựng mối quan hệ đối tác giữa đầu tư công và đầu tư tư nhân.

Vậy, trong bối cảnh hiện nay, việc Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng trưởng năm 2009 bằng với năm 2008 có khả thi hay không, thưa ông ?

Tôi cho rằng việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng như vậy không ảnh hưởng tới những thành quả mà Việt Nam đã đạt được. Hồi đầu năm người ta dự báo mức tăng trưởng kinh tế Mỹ khoảng trên 1% nhưng khi khủng hoảng tài chính xuất hiện mức tăng trưởng này dự kiến chỉ còn khoảng 0,8% hoặc thấp hơn.

Trong năm nay, châu Á dự kiến sẽ có mức tăng trưởng trung bình 6% và rất khó đạt được mức 7%. Trong năm 2009, nếu châu Á duy trì được mức tăng trưởng 6% thì cũng rất tốt.

Việt Nam không nên cảm thấy thua thiệt vì đây là tình trạng chung của thế giới. Điều Việt Nam cần làm hiện nay là củng cố những nền tảng cơ bản của tăng trưởng kinh tế như ổn định kinh tế vĩ mô, khắc phục thâm hụt tài khoản vãng lai, ổn định tỉ giá hối đoái và đưa nó trở về mức bình thường...

- Xin cám ơn ông!

An Hạ