1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Dự luật Đấu thầu: Quy định xử lý vi phạm pháp luật quá nhẹ!

(Dân trí) - “Những quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong đấu thầu còn quá nhẹ, cần quy định rõ mức phạt tiền, cơ quan có thẩm quyền xử phạt, bổ sung quy định về quản lý hành chính khi vi phạm pháp luật về đấu thầu như hạ lương, cách chức..”. Đó là một trong những điểm chưa hợp lý được đại biểu chỉ ra trong buổi thảo luận về dự án Luật đấu thầu sáng nay 22/11.

Nên để Chính phủ chỉ định thầu

 

Những quy định của dự án Luật sẽ tạo sự thống nhất trong quản lý chi tiêu, sử dụng vốn Nhà nước, khắc phục được những tồn tại trong thực hiện công tác đấu thầu hiện nay.

 

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng tỉnh Đăk Nông cho rằng: “Bệnh quan liêu, năng lực yếu kém cũng là nguyên nhân gây thất thoát lớn vì vậy cần có quy định nghiêm khắc trong Luật để loại bỏ những giám đốc lãnh đạo thì yếu kém, để doanh nghiệp thua lỗ nhưng vẫn có biệt thự, ô tô riêng”.

 

Nhiều đại biểu bày tỏ sự bức xúc trước những tiêu cực trong đấu thầu, hiện nay nhiều giám đốc doanh nghiệp Nhà nước không chịu thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp, đấu thầu trong mua sắm trang thiết bị, nguyên vật liệu sản xuất...

 

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng đề nghị: “Cần phải quy định trong dự án Luật những hình phạt thích đáng với "đội quân" như cò đấu thầu, cò chạy dự án, quân xanh, quân đỏ... Cần hạn chế việc chỉ định thầu. Trên thực tế có nhiều dự án để xảy ra sai phạm, để khắc phục tình trạng này cần quy định việc chỉ định thầu là do Chính phủ thực hiện”.

 

Vi phạm pháp luật trong đấu thầu phải hạ lương cách chức…

 

Về tư cách hợp lệ của nhà thầu, một số ý kiến đề nghị quy định rõ về cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước được kết luận về tình hình tài chính không lành mạnh của nhà thầu.

 

Theo đại biểu Trần Việt Hùng tỉnh Hải Phòng cho rằng: “Dự án Luật có một số điểm không khả thi. Ví dụ quy định ở khoản 3 là Nhà thầu không bị một trong các cơ quan có thẩm quyền là Toà án, Thanh tra, Tài chính, Kiểm toán kết luận về tình hình tài chính không lành mạnh, đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ đọng không có khả năng chi trả; đang trong quá trình giải thể. Như vậy các cơ quan này không thể biết nhà thầu đấu thầu ở gói thầu nào, có thể có những vụ việc đang diễn ra nhưng nhà thầu vẫn đi đấu thầu, và một số ngân hàng là chủ nợ của các nhà thầu này họ sẵn sàng bảo lãnh để các nhà thầu có việc để lấy tiền trả nợ ngân hàng”.

 

Về đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu, Dự án Luật quy định: “Nhà tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi không được tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ tư vấn lập thiết kế kỹ thuật của dự án”. Nhiều đại biểu cho rằng, không nên quy định như Dự án Luật, vì nhà thầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi, nếu họ có năng lực thì không có lý do gì cấm họ tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ tư vấn lập thiết kế kỹ thuật của dự án.

 

Những quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong đấu thầu còn quá nhẹ, cần làm rõ việc cấm tham gia hoạt động đấu thầu là vĩnh viễn hay có thời hạn, cần quy định rõ mức phạt tiền, cơ quan có thẩm quyền xử phạt, bổ sung quy định về quản lý hành chính khi vi phạm pháp luật về đấu thầu như hạ lương, cách chức...

 

Quy định dự án có vốn Nhà nước từ 30% trở lên là hợp lý!

 

Quy định dự án có vốn nhà nước từ 30 % trở lên được nhiều đại biểu đồng tình. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến cho rằng chưa hợp lý, vì các dự án có mức vốn lớn thì 30% tương ứng với giá trị vốn lớn, nếu quy định dưới mức 30% đối với các dự án này không phải theo Luật đấu thầu là chưa phù hợp. Một số ý kiến đề nghị, quy định tỷ lệ này khác nhau theo mức khác nhau của tổng mức đầu tư của dự án. VD: Dưới 10 tỷ thì 30%, dưới 100 tỷ thì 20% và trên mức 100 tỷ thì 10%...

 

Ông Nguyễn Đức Kiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội giải trình: Quy định dự án vốn nhà nước 30% theo phạm vi điều chỉnh của Luật đấu thầu là hợp lý, ông giải thích: Hiện nay, với các dự án liên doanh thì góp vốn của Nhà nước Việt Nam thông thường là 30% (chủ yếu góp vốn là quyền sử dụng đất) nếu quy định ở mức thấp hơn 20%,10% sẽ hạn chế sự hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài hoặc các thành phần kinh tế khác ngoài Nhà nước.

 

Nếu người đầu tư góp vốn 30% “đòi” giữ quyền quyết định đối với các đối tác có góp vốn 70% là không hợp lý vì vậy cần xem xét cả 2 phía. Nếu quy định chặt chẽ về tỷ lệ sẽ ảnh hưởng tới thu hút đầu tư. Không phải cứ dự án có góp vốn của Nhà nước dưới 30% thì sẽ bị thất thoát vốn nếu không áp dụng Luật đấu thầu.

 

Dự kiến Quốc hội sẽ thông qua Luật đấu thầu tại kỳ họp này.

 

Chiều nay 22/11, Quốc hội thảo luận về tình hình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

 

Đức Hoà - Hồng Hạnh