1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Keangnam hời hợt lý giải "nhốt" cư dân trong thang máy giữa đêm

Sau nhiều ngày chờ đợi, Keangnam Vina đã có công văn trả lời về sự cố mất điện đêm 23/5 nhưng lần nữa khiến cư dân thất vọng bởi cách lý giải cho qua, hời hợt và thiếu trách nhiệm.

Né tránh vấn đề cứu hộ cư dân gặp nạn

Toàn bộ văn bản trả lời của Keangnam dài gần 2 trang nhưng chỉ giải thích về sự cố mất điện với những ngôn từ chuyên ngành khó hiểu, mà không hề đả động gì đến vấn đề nghiêm trọng nhất là cứu hộ những người bị mắc kẹt trong thang máy giữa đêm. Việc Chestnut, công ty quản lý tòa nhà đóng cửa, không tiếp cư dân sau sự cố cũng được chủ đầu tư “bỏ qua”.

Cụ thể, Keangnam Vina cho biết, sự cố mất điện là lúc 19h20 ngày 23/5, lưới điện của công ty điện lực Việt Nam (EVN) cung cấp bị mất, chỉ sau 3 giây, hệ thống phát điện tự động của tòa nhà được khởi động. Song, ở giây thứ 4, điện lưới của EVN lại được khôi phuc khiến cho máy phát điện bị rơi vào trạng thái xung đột ngưng trệ. Trong quá trình nhận điện thụ động của bộ đổi nguồn ACB, do điện nguồn khởi động không đủ nên bộ đổi nguồn này đã không thể thực hiện chức năng của mình.

Do phát sinh dòng điện lạ trên panel cung cấp điện nguồn nên cơ chế tự ngắt ác quy của bộ đổi nguồn được khởi động, ắc quy chuyển sang trạng thái ngăn điện nguồn khởi động.

Trong số 6 biến áp thì có 2 chiếc có điện, số còn lại do khởi động trạng thái ngăn điện nguồn khởi động nên không thể nhận điện.

Vì 2 trong số 6 biến áp có điện nên máy phát điện tự động không thể khởi động được. Sau khi mởi panel để cưỡng chế cấp điện vào các ACB nên quá trình cấp điện cho tòa nhà được hoàn tất.

Như vậy, Keangnam lý giải việc mất điện gần 30 phút là hệ thống điện của tòa nhà vận hành theo cơ chế cấp điện thụ động luân phiên. Sự cố phát sinh chính là do các ắc quy bị chuyển đột ngột qua trạng thái ngăn điện.

Sau sự cố này, Keangnam Vina sẽ khắc phục và ngăn ngừa bằng cách lắp đặt hệ thống tín hiệu đo điện ắc quy, đồng thời hướng dẫn đào tạo cho các cán bộ kỹ thuật có thể nắm vững quy trình xử lý. Sẽ chuyển đổi phương pháp mới để đảm bảo máy phát điện vẫn được vận hành ngay cả khi điện lưới EVN đã được khôi phục và thay mới bộ đổi nguồn sang loại có thể chịu đựng hiệu thế cao hơn.

Keangnam hời hợt lý giải "nhốt" cư dân trong thang máy giữa đêm - 1

Công văn trả lời "cho có" của chủ đầu tư Keangnam.

Keangnam tự phơi bày sự thiếu chuyên nghiệp và vô trách nhiệm

Sau khi nhận được công văn trả lời về sự cố mất điện sau 1 tuần chờ đợi, cư dân lại càng thất vọng hơn bởi cách trả lời hời hợt, vô trách nhiệm của Keangnam. Các cư dân còn cho rằng, qua văn bản này, Keangnam đã tự thú nhận sự quản lý yếu kém, thiếu chuyên nghiệp.

Anh Phạm Xuân Đại, cư dân sống tại căn A1510 bức xúc: “Công văn trả lời của Keangnam cho thấy sự bao biện coi như thiên tai không hề có, vấn đề của sự vô trách nhiệm và thiết bị không đạt yêu cầu của chủ đầu tư KeangNam. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của công dân KeangNam. 6 người bị nhốt giữa đêm tối trong thang máy gần 30 phút, thiếu ô xy, may mắn thoát ra mà họ coi như không có chuyện gì xảy ra. Tôi muốn đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra toàn bộ hệ thống an toàn của tòa nhà để tránh xẩy ra sự cố về sau này”.

“Tôi thấy việc giải thích dài dòng trong thư trả lời của Keangnam về sự cố ngày 23/5 toát lên 2 vấn đề rất lớn là đội ngũ quản lý chưa làm chủ được công nghệ và thiết bị, thiếu kinh nghiệm vận hành. Keangnam chưa có kịch bản và diễn tập cho các tình huống khẩn cấp nên dẫn đến việc gián đoạn gần 30 phút đối với sự cố mất điện”, cư dân căn B1401 nêu ý kiến.

Tòa chung cư hiện đại vào bậc nhất Việt Nam đang khiến cư dân thất vọng tràn trề bởi không khắc phục được sự cố mà bất kỳ tòa chung cư hạng trung nào cũng có thể làm được và cư dân cũng tỏ ra bất an, lo lắng về sự an toàn của mình.

Anh Đinh Ngọc Sơn ở căn A2305 phân tích: “Đối với thang máy thì phải có trang bị tủ cứu hộ được lắp ở nóc buồng thang, có tác dụng khi mất điện lưới thì nó sẽ cấp điện tạm cho buồng thang chạy đến tầng gần nhất và mở cửa để người thoát ra ngoài. Tính năng này là bắt buộc không kể tòa nhà có trang bị máy phát điện dự phòng hay không. Sự cố hôm 23/5 vừa qua cả hai thiết bị cứu hộ thang máy và máy phát điện của Keangnam đều không làm việc là không thể chấp nhận được. Phải đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Công an, UBND thành phố Hà Nội, Cục Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành vào kiểm tra toàn bộ tòa nhà Keangnam. Việc này là vô cùng cần thiết vì chính an toàn, tính mạng của cư dân”.

Bà Trịnh Thúy Mai, trưởng Ban đại diện lâm thời của cư dân Keangnam cho biết sớm có công văn gửi các cơ quan chức năng làm rõ các vấn đề về an toàn tại tòa nhà. 
 
Theo Minh Tùng
Đất Việt