1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Khai phá thị trường quản lý rủi ro VNĐ

Trong khi các ngân hàng trong nước bỡ ngỡ thì 5 “đại gia” gồm HSBC, Citibank, ANZ, Standard Chartered và BNP PariBas đang ngồi lại với nhau để chuẩn bị cho một kế hoạch khai phá mạnh mẽ thị trường quản lý rủi ro VNĐ dài hạn tại Việt Nam.

Bảo hiểm rủi ro khoản vay

NHNN Việt Nam hiện nay cho phép các NH thực hiện nghiệp vụ hoán đổi lãi suất (swap), nhưng thực tế ở nước ta chỉ có một vài NH như BIDV, VCB, Eximbank... triển khai swap ngoại tệ, còn swap đồng nội tệ vẫn là “mảnh đất” tiềm năng mà các NH ngoại đang nhắm đến.

Theo nhận định của các NH nước ngoài, trước đây các doanh nghiệp (DN) Việt Nam chỉ quan tâm tới rủi ro về tỷ giá nhưng do xu hướng tự do hóa lãi suất nội tệ và ngoại tệ hiện nay, rủi ro về lãi suất sẽ tăng cao, nên việc sử dụng các công cụ hạn chế rủi ro là rất cần thiết. Ví dụ DN có một khoản vay USD trong vòng 10 năm, thông thường các NH chỉ cho vay lãi suất cố định năm đầu tiên, những năm sau lãi suất thả nổi.

Để giúp các DN tránh rủi ro về sự biến động của lãi suất, NH sẽ bảo hiểm rủi ro cho DN bằng cách có thể chuyển đổi lãi suất thả nổi sang lãi suất cố định 10 năm. Hoặc nếu DN có doanh thu chủ yếu bằng VNĐ nhưng có khoản nợ bằng ngoại tệ, có thể chuyển đổi tiền vay bằng ngoại tệ sang VNĐ tránh những rủi ro về tỷ giá được chốt ngay tại thời điểm ký kết hợp đồng.

Hiện nay, nghiệp vụ swap được các NH nước ngoài triển khai chủ yếu ở các tổng công ty, các DN lớn, đặc biệt các DN nhà nước vay ngoại tệ từ nguồn ODA, IFC, WB…  để thực hiện các dự án tạo nguồn thu bằng tiền đồng, nhưng riêng các DN vừa và nhỏ với hạn mức tín dụng trung hạn thì vẫn chưa tiếp cận với các nghiệp vụ này.

Theo một chuyên viên kinh doanh ngoại tệ của ANZ, nhu cầu swap của DN hiện nay là khá lớn nhưng thực tế NH vẫn còn gặp khó khăn về hành lang pháp lý thực hiện các công cụ dài hạn cho DN. Vì vậy DN vẫn còn ngại ký các hợp đồng bảo hiểm này.

Thị trường tiềm năng

Thực tế các NH trong nước hiện nay có nhiều tiềm năng phát triển vì đang nắm giữ đến 70% thị trường tín dụng DN, trong khi các NH nước ngoài chỉ chiếm khoảng 12%, trong đó chủ yếu khách hàng là các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, lợi thế của các NH nước ngoài khi triển khai các nghiệp vụ này là họ đã có nhiều kinh nghiệm và thành công ở nhiều nước trên thế giới nên chỉ cần tìm hiểu tập quán ở Việt Nam để bán sản phẩm thôi.

Các NH nước ngoài triển khai được các sản phẩm này vì có chính sách quản lý rủi ro rất tốt, họ có thể bán đối ứng những rủi ro từ DN qua sàn giao dịch quốc tế. Như vậy, phí của NH nước ngoài triển khai sẽ rẻ hơn rất nhiều so với các NH nội địa triển khai.

Ông Lê Quang Trung, Giám đốc kinh doanh tiền tệ và vốn của BNP PariBas ở Việt Nam, cho biết BNP PariBas đang đẩy mạnh phát triển nghiệp vụ này không phải vì phí thu mà qua nghiệp vụ này NH có thể phát triển được các giao dịch khác.

Đây cũng là nghiệp vụ giúp cho NH thu lợi từ việc đầu tư thông qua đối tác nước ngoài. Các NH nước ngoài sẽ phát triển nghiệp vụ này ở mức ban đầu khoảng 5-10 triệu USD, kỳ hạn 3-5 năm.

Theo các chuyên gia tài chính, từ nay đến năm 2010 nghiệp vụ swap của Việt Nam sẽ phát triển vì hiện nay tất cả các NH nước ngoài và các quỹ đầu tư vào Việt Nam rất nhiều.

Đặc biệt khối quỹ đầu tư này sẽ là một trong những khách hàng đầu tiên của NH, vì khi các quỹ đầu tư đưa ngoại tệ vào, chuyển đổi ra tiền đồng VNĐ, họ sẽ tính mức lợi nhuận đầu tư ở VNĐ có bù đắp về rủi ro tỷ giá hay không, họ sẽ chọn công cụ bảo hiểm rủi ro để đem lại hiệu quả đầu tư cao nhất.

Chính các quỹ đầu tư, am hiểu thị trường là những khách hàng tiềm năng thúc đẩy thị trường quản lý rủi ro VNĐ dài hạn phát triển mạnh mẽ ở nước ta trong thời gian tới.

Theo Mai Thảo
Báo SGGP