1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Thắp lại hào quang thương hiệu Việt

Kỳ 2: Khóa Minh Khai thoát hiểm

Đang làm ăn ngon trớn, Công ty CP Khóa Minh Khai bỗng rơi tõm xuống hố thẳm vì vụ khóa Minh Khai làm giả… khóa Minh Khai đổ bể. Sau vụ “tự sát” 3 năm trước, thương hiệu ấy nay vẫn sống được

Đầu năm 2008, Phòng CSĐT Tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (khi đó là PC15, nay đổi thành PC46) - Công an TP Hà Nội phát hiện vụ làm giả khóa Minh Khai với số lượng lớn. Đáng nói, chủ mưu của vụ làm giả này cũng chính là… bị hại - Công ty CP Khóa Minh Khai (125D  Minh Khai, quận Hai Bà Trưng - Hà Nội).

 

Bán danh ba đồng

 

Trước đó, những ngày cuối năm 2007, qua nắm bắt thị trường, Đội Chống hàng giả thuộc PC15 đã phát hiện chuyện động trời: Trong trụ sở Công ty CP Khóa Minh Khai không có xưởng hay dây chuyền nào sản xuất khóa kiểu tay nắm tròn mang ký hiệu MK14F, loại đánh số No6 - No10 nhưng trên thị trường lại có rất nhiều khóa dạng này được bán với giá từ 84.000 đồng/chiếc trở lên. Trên chiếc khóa nào cũng có in logo “Hàng Việt Nam chất lượng cao. Tiêu chuẩn ISO 9001:2000”.

 

Khi ấy, cả trăm công nhân đã lâu năm gắn bó với hoạt động sản xuất, lắp ráp khóa ở công ty cũng chưng hửng. Nhiều người trong số họ lặng lẽ thu thập tài liệu, chứng cứ. Nhận thấy những chiếc khóa mới cứng được bán khắp nơi kia không phải là hàng gốc của công ty mình, họ lập tức gửi phản ánh đến PC15 - Công an TP Hà Nội.

 

Các điều tra viên của PC15 nhanh chóng vào cuộc và tiến hành xác minh hết sức thận trọng bởi thời gian ấy, bên cạnh khóa Việt - Tiệp, khóa Minh Khai là một thương hiệu lớn, đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng.

 

Ngày 14/1/2008, PC15 quyết định kiểm tra đột xuất kho hàng của Công ty CP Khóa Minh Khai. Tại đây, cả một nhà máy bề thế song chỉ có 3 công nhân đang tháo các vỏ hộp khóa Trung Quốc (loại dùng cho cửa tay nắm tròn) để chuyển sang vỏ hộp khóa Minh Khai (theo mẫu hàng loại 14F).

 

Kỳ 2: Khóa Minh Khai thoát hiểm - 1
Công nhân lắp ráp khóa tại Công ty CP Khóa Minh Khai.

 

Kiểm đếm tại chỗ, lực lượng chức năng xác định có hơn 1.000 ổ khóa chủng loại này đã được thay đổi nhãn mác hàng hóa. Ba công nhân nói trên cho biết họ được lãnh đạo công ty giao nhiệm vụ nhận và chuyển đổi vỏ hộp số ổ khóa nói trên từ ngày 2/1/2008 và đến thời điểm bị kiểm tra, công ty đã bán ra thị trường khoảng 300 chiếc.

 

Mở rộng kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện thêm 284 thùng khóa (loại 30 ổ/thùng) đều có xuất xứ từ Trung Quốc và đã được “úm ba la” thành khóa Minh Khai (bằng cách thay đổi nhãn mác) tại một kho hàng khác của công ty.

 

 

Làm việc với cơ quan chức năng, lãnh đạo Công ty CP Khóa Minh Khai thừa nhận từ cuối năm 2007, họ đã đặt hàng một công ty bên Trung Quốc khoảng 10.000 chiếc khóa, tất cả đều được in sẵn nhãn mác “Khóa Minh Khai”!

 

Để hợp thức hóa sản phẩm, công ty cho in thêm một số chi tiết trên vỏ hộp như “Tiêu chuẩn ISO 9000 - 2000”, “Hàng Việt Nam chất lượng cao 2006”…rồi xuất bán ra thị trường.

 

Lãnh đạo công ty lúc đó đã không xuất trình được hợp đồng  kinh doanh với đối tác phía Trung Quốc trong sản xuất khóa mà chỉ có giấy tờ nhập hàng qua một công ty có trụ sở tại Hà Nội.

 

Trong bản hợp đồng đó cũng chỉ mô tả sản phẩm, không có bản vẽ kỹ thuật, tiêu chuẩn…PC15 nhận định “bản chất của hợp đồng này là hợp đồng mua bán chứ không phải hợp đồng sản xuất”.

 

Bại không nản

 

Sau khi chuyển trụ sở về thị trấn Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì - Hà Nội và đã trải qua 3 năm cổ phần hóa nhưng đến nay, nhiều máy móc để gia công khóa trong nhà máy vẫn còn nằm chỏng chơ.

 

Trao đổi với phóng viên, ông Tạ Phước Long, Phó Giám đốc Công ty CP Khóa Minh Khai, cho biết sau sự cố năm 2008, một số cán bộ, lãnh đạo của công ty đã bị kiểm điểm.

 

Ông Long cho rằng, việc nhập khẩu vài chục ngàn chi tiết để sản xuất khóa là bình thường nhưng thời điểm đó (năm 2008) “hội tụ” quá nhiều yếu tố khiến thương hiệu khóa Minh Khai bị ảnh hưởng.

 

Cũng theo ông Long, thời điểm ấy (và cả hiện nay), công ty vẫn nhập một số thiết bị, linh kiện từ nước ngoài, trong đó có Trung Quốc. Tuy nhiên, thời ấy, do sơ suất không đăng ký nhãn mác sản phẩm hàng hóa “theo tiêu chuẩn của khóa Minh Khai” nên công ty bị phạt về lỗi tiêu chuẩn hàng hóa chưa cụ thể.

 

“Hơn nữa, do phải thay đổi địa điểm sản xuất nên chúng tôi không có hàng dự trữ. Về địa điểm mới đã hơn 3 năm rồi nhưng đến giờ chúng tôi vẫn chưa có sổ đỏ cho lô đất của nhà máy, vì vậy việc vay vốn ngân hàng phục vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn; thương hiệu và hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng suốt một thời gian” - ông Long nói.

 

Ông Tạ Phước Long cho biết công ty vẫn đang cố gắng duy trì, bảo đảm cuộc sống cho cán bộ nhân viên và có nhiều chiến dịch tiếp thị, phân phối khóa Minh Khai, dù biết rằng để đạt được sự ổn định như thời vàng son cách đây 3-4 năm là điều hết sức khó khăn.

 

Khóa Minh Khai hiện chưa thâm nhập được thị trường phía Nam. Sắp tới, công ty sẽ phối hợp với các chương trình bán hàng Việt về vùng nông thôn để đưa sản phẩm khóa Minh Khai đi xa hơn nữa.

 

 Coi thường người tiêu dùng, sẽ trả giá!

 

Thượng tá Lê Hồng Sơn, Phó trưởng Phòng PC46 - Công an TP Hà Nội, kể: “Tôi có nắm được “vụ khóa Minh Khai” và thấy rằng sự cố đó xuất phát từ lỗi nội bộ của công ty này, sau đó là khủng hoảng truyền thông khiến thương hiệu khóa Minh Khai bị ảnh hưởng”.

 

Từ kinh nghiệm nghề nghiệp của bản thân, ông Sơn cho rằng doanh nghiệp nào chỉ mưu cầu lợi nhuận mà không quan tâm tới quyền lợi của người tiêu dùng, không đầu tư quảng bá thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm thì sớm muộn gì cũng sẽ trả giá. Muốn lấy lại “phong độ” đã mất là chuyện rất gian nan.

Đang làm ăn ngon trớn, Công ty CP Khóa Minh Khai bỗng rơi tõm xuống hố thẳm vì vụ khóa Minh Khai làm giả…khóa Minh Khai đổ bể. Sau vụ “tự sát” 3 năm trước, thương hiệu ấy nay vẫn sống được.

 

Theo Phùng Kha

NLĐ