Mô hình cà phê cảnh quan VnSAT

Trường Thịnh

(Dân trí) - Cà phê cảnh quan là mô hình trồng cà phê xen canh với các cây trồng khác để tạo cảnh quan sinh thái, giúp mang lại giá trị cao cho cây cà phê, có thể phát triển du lịch.

Ở mô hình này, để tránh nắng gió cho cà phê và giúp vườn xanh mát, nông dân trồng thêm các cây lâu năm như cây ăn quả, hồ tiêu, mắc ca... Thảm cỏ, cây bụi và cả hệ động thực vật cũng được giữ lại. Mô hình này do Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT hỗ trợ nông dân thực hiện.

Mô hình cà phê cảnh quan VnSAT - 1
Cà phê cảnh quan gồm 3 tầng thảm thực vật cà phê và cây cao (Ảnh: VnSAT).

Mô hình cà phê cảnh quan của HTX nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông được ngăn cách với khu dân cư, đường xá và các vườn cà phê truyền thống khác bởi một vùng đệm bằng cây cối. Hơn 20ha cà phê được canh tác theo chuẩn hữu cơ, không thuốc trừ sâu, không phân hóa học. Trong vườn, cà phê chung sống hài hòa với các loại cây tầng cao như hồ tiêu và cả những cây bụi, cỏ dại. Mỗi tầng sinh thái đều có tác dụng riêng và giúp chất lượng cà phê thăng hạng.

Ông Phạm Văn Thạch - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông cho biết, thứ nhất là tầng cây cao gồm cây ăn trái, cây nọc tiêu che nắng, che sương, gió để điều tiết nhiệt độ vườn. Tầng trung là trồng cà phê và tầng thấp nhất là nuôi thảm thực vật cỏ. Thảm cỏ thực vật là tầng rất quan trọng của mô hình cà phê cảnh quan phù hợp với mô hình sinh thái. Nếu áp dụng biện pháp quản lý cỏ dại sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực như: Tạo thảm phủ mặt đất chống xói mòn, giữ ẩm, bổ sung hữu cơ cho đất và tạo môi trường cho vi sinh vật có lợi phát triển, giúp cây trồng phát triển tốt hơn.

Việc áp dụng quản lý thảm cỏ thay thế thuốc diệt cỏ giúp nông dân tiết kiệm nước tưới do đã giảm bốc hơi nước và giữ ẩm, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cây trồng phát triển khỏe mạnh. Từ đó, chất lượng cà phê được cải thiện, không có tồn dư hoạt chất Glyphosate trong sản phẩm giúp việc xuất khẩu cà phê của Việt Nam thuận lợi, đặc biệt là vào thị trường châu Âu.

Mô hình cà phê cảnh quan VnSAT - 2
Mô hình cà phê cảnh quan cho năng suất, chất lượng, giá trị cao (Ảnh: VnSAT).

Vị giám đốc cho biết thêm, để đảm bảo mô hình cà phê hữu cơ, HTX lựa chọn vùng đất không nằm trong khu vực ô nhiễm của các nhà máy, khu dân cư. HTX không sử dụng thuốc cũng như phân bón bảo vệ thực vật để bỏ vào vườn cây. Thay vào đó, HTX sử dụng phân vi sinh hoặc phân dê, bò, vỏ cà phê để chế biến sản phẩm phân chất lượng bón cho cây trồng. Ngoài ra, HTX cũng nhân nuôi vi sinh vật bản địa để phun, tưới cho vườn cây.

Sau gần 5 năm thực hiện, chi phí sản xuất cà phê cảnh quan đã giảm được 11% so với cách trồng truyền thống. Sản lượng cà phê cảnh quan lại cao hơn, lên tới 3,5 tấn/hecta. Giá cà phê cảnh quan cũng cao hơn nhiều so với cà phê sản xuất truyền thống. Không những thế, nông dân còn có thêm thu nhập từ các loại cây trồng xen cạnh. Từ thành công ban đầu, dự án VnSAT cũng đang tính đến việc hỗ trợ nâng tầm chuỗi giá trị cà phê cảnh quan.

Theo ông Cao Thanh Sơn - Phó giám đốc Ban quản lý Dự án VnSAT Trung ương, xây dựng mô hình cà phê cảnh quan bền vững có sự liên kết giữa các doanh nghiệp bao tiêu quốc tế với người bản địa là đồng bào Mơ Nông để tạo thành chuỗi liên kết cà phê hữu cơ gắn với du lịch cộng đồng của người dân bản địa.

Dự án VnSAT đang hỗ trợ 2 HTX sản xuất cà phê tại xã Đắk Nia và Đắk R'Moan trên địa bàn TP Gia Nghĩa xây dựng mô hình cà phê cảnh quan kết hợp du lịch. Đối với HTX Nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông, trong giai đoạn từ năm 2015-2020, dự án VnSAT đã hỗ trợ xây dựng nhà kho, sân phơi, máy móc, thiết bị sơ chế cà phê... Với HTX Nông nghiệp dịch vụ Tân Phú Nông, dự án VnSAT hỗ trợ xây dựng 20km đường giao thông nội đồng để đi vào khu sản xuất. Đó là những yếu tố giúp hình thành các mô hình cà phê cảnh quan kết hợp du lịch.

Ông Phạm Hùng Vỹ - Phó giám đốc Ban Quản lý Dự án VnSAT tỉnh Đắk Nông chia sẻ thêm, ban quản lý dự án cũng lồng ghép nhiều chương trình như các chương trình lễ hội cà phê hàng năm, kết hợp các chương trình cà phê xen canh để đem lại hiệu quả kinh tế cao. 2 xã Đắk Nia và Đắk R'Moan đều nằm trong khu vực thuộc Công viên địa chất toàn cầu nên rất thuận lợi cho việc sản xuất cà phê cảnh quan kết hợp du lịch.