1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu mây tre lá trị giá 500 triệu USD

Ngô Linh

(Dân trí) - Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu sản phẩm từ mây tre lá trị giá khoảng 500 triệu USD, tuy nhiên nguồn nguyên liệu hiện chưa bền vững, lao động giảm đáng kể.

Mới đây, tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức tọa đàm về nguồn nguyên liệu mây tre lá bền vững góp phần phát triển ngành nghề nông thôn thông qua Dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do USAID tài trợ.

Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu mây tre lá trị giá 500 triệu USD - 1

Tọa đàm "Xây dựng nguồn nguyên liệu mây tre lá bền vững góp phần phát triển ngành nghề nông thôn ở Việt Nam".

Tiềm năng lớn từ xuất khẩu mây tre lá

Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - cho rằng Việt Nam là một trong số các nước sản xuất và xuất khẩu hàng đầu các sản phẩm mây tre lá trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu lên tới gần 500 triệu USD. 

Trong những năm vừa qua, với nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực của nhà nước, sự chỉ đạo hiệu quả của Bộ NN&PTNT, đặc biệt là sự nỗ lực không ngừng của cộng đồng các doanh nghiệp xuất khẩu hàng mây tre lá của Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của hàng mây tre lá luôn được duy trì 8-10% mỗi năm.

Các sản phẩm mây tre lá của Việt Nam đến nay đã có mặt ở trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, góp phần tạo thu nhập và việc làm cho gần 350.000 lao động ở vùng nông thôn và miền núi, đặc biệt là tạo việc làm và thu nhập cho lao động nữ và đồng bào các dân tộc thiểu số. 

Được biết đến là trung tâm của vùng nguyên liệu mây của cả nước, Quảng Nam là tỉnh có trữ lượng mây có thể nói là lớn nhất trên cả nước.

Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu mây tre lá trị giá 500 triệu USD - 2

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại tọa đàm.

"Nhiều đơn vị chế biến nguyên liệu mây và sản xuất các sản phẩm thủ công từ mây đã được hình thành, đưa Quảng Nam trở thành một trong những trung tâm chế biến nguyên liệu mây lớn nhất nước", đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, các sản phẩm từ mây tre lá đang được thị trường ưa chuộng. Triển vọng lĩnh vực mây tre lá, hàng thủ công mỹ nghệ nói chung đang phát triển rất tốt. Nếu giữ chất lượng sản phẩm và tay nghề thì có thể kỳ vọng thúc đẩy đến năm 2025, nâng kim ngạch xuất khẩu lên 4-6 tỷ USD.

Cần xây dựng nguồn nguyên liệu bền vững, nâng cao tay nghề lao động

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Yến - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) - cần tổ chức lại chuỗi liên kết từ nguồn nguyên liệu đến tiêu thụ sản phẩm, liên quan đến phát triển nguồn nguyên liệu.

Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu mây tre lá trị giá 500 triệu USD - 3

Theo các đại biểu, tiềm năng cho ngành mây tre lá Việt Nam là rất lớn nhưng hiện vùng nguyên liệu vẫn chưa thực sự tập trung.

Phải liên kết được các chủ rừng, các hộ sản xuất lại với nhau, nhưng doanh nghiệp thì không đủ khả năng hợp đồng với từng hộ dân nên cần có các tổ liên kết, các hợp tác xã, từ đó sẽ kiểm soát được quy trình, chất lượng, truy xuất nguồn gốc… là cơ sở để cấp tín chỉ rừng.

Cả nước với 893 làng nghề mây tre lá nhưng đa phần là các hộ cá thể, nhỏ lẻ. Chưa có một tiêu chuẩn và hành lang pháp lý riêng cho việc trồng, chế biến và sử dụng nguyên liệu tre trong hoạt động kinh tế tại Việt Nam thời điểm hiện tại là một rào cản lớn nhất khiến chuỗi ngành hàng tre chưa thể kết nối và phát huy hết tiềm năng của mình.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, việc tổ chức tọa đàm nhằm đưa ra các giải pháp thực hiện mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công do các làng nghề sản xuất. Đồng thời, phát triển nguyên liệu tập trung phục vụ làng nghề, cũng như xây dựng các mô hình làng nghề tiêu biểu gắn với vùng nguyên liệu có chứng chỉ bền vững được đặc biệt ưu tiên.

Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu mây tre lá trị giá 500 triệu USD - 4

Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sản phẩm từ mây tre lá khoảng 500 triệu USD.

Thông qua Dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học, Chính phủ Mỹ và Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai các giải pháp quản lý rừng bền vững, trong đó bao gồm hoạt động phát triển chuỗi giá trị lâm sản ngoài gỗ bền vững, cụ thể là chuỗi giá trị mây tre lá tại 5 tỉnh là Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Nam.

Hoạt động này không chỉ đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho các làng nghề mây tre lá, các đơn vị xuất khẩu, Dự án VFBC góp phần thúc đẩy các lợi ích sinh kế, xã hội và môi trường, đặc biệt là giảm mất rừng, giảm suy thoái rừng và tăng khả năng hấp thụ carbon từ rừng.

Do đó, bên cạnh xây dựng lại vùng nguyên liệu tre tập trung, hiện Bộ NN&PTNT đang đề xuất lên Bộ Nội vụ thành lập Hiệp hội tre luồng Việt Nam. Đây sẽ là một trong những tiền đề và cơ sở đầu tiên gắn kết ngành tre Việt trong giai đoạn mới này.

"Xây dựng vùng nguyên liệu để xây dựng niềm tin giữa doanh nghiệp và người sản xuất. Bộ NN&PTNT 2 năm nay đã tập trung xây dựng các nguồn nguyên liệu đạt chuẩn để thực hiện liên kết sản xuất. Doanh nghiệp, nhà nước, người dân cần có trách nhiệm thì mới thực hiện tốt chuỗi liên kết, các hợp tác xã làm tốt vai trò trung gian để duy trì mối liên kết này…

Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao tay nghề người lao động là việc làm hết sức cấp bách. Các làng nghề hiện nay lao động trẻ rất ít, chúng ta cần tập trung đào tạo lao động có tay nghề bắt đầu từ cấp bậc phổ thông, tạo điều kiện để các em có cơ hội học nghề, việc làm tốt sau khi đào tạo…", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Ở Việt Nam, hiện có 893 làng nghề mây tre đan; trong đó, 647 làng nghề mây tre đan và 246 làng nghề đan cói, lục bình. Số lao động nông thôn tham gia sản xuất các sản phẩm mây tre đan khoảng 342.000 người. Cùng với Trung Quốc, Indonesia và Philippines, Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu mây tre đan lớn trên thế giới.

Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2019, xuất khẩu các sản phẩm mây tre đan của Việt Nam đạt 474 triệu USD (tăng 44,4% so với năm 2018), là nhóm sản phẩm cho giá trị cao nhất trong lâm sản ngoài gỗ, chủ yếu xuất khẩu sang các nước EU chiếm 31,44% tỷ trọng, thị trường Mỹ (19,5% và Nhật Bản chiếm (9,3%).