1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Tái cơ cấu VNPT: Chờ kết luận từ Thanh tra Chính phủ

(Dân trí) - Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, kết luận của thanh tra là cơ sở quan trọng để góp phần tái cơ cấu phù hợp. Vì thế, sau khi có kết quả thanh tra trong thời gian tới, Bộ TT-TT sẽ chính thức có văn bản thẩm định tái cơ cấu VNPT

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2013 do Bộ Thông tin -  truyền thông (TT-TT) tổ chức ngày hôm qua (24/12), Bộ Trưởng Nguyễn Bắc Son đã giải thích nguyên nhân vì sao VNPT chưa được tái cơ cấu như theo đề án của tập đoàn này.

Bộ trưởng cho rằng đề án tái cơ cấu doanh nghiệp của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) theo quyết định 929 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày17/7 vừa qua rất quan trọng.

Tại Quyết định này, Thủ tướng yêu cầu, VNPT sẽ phải trình đề án tái cơ cấu trong quý III/2012. Đề án này phải căn cứ trên đề án tái cơ cấu thị trường viễn thông của Bộ TT-TT sau khi Thủ tướng đã phê duyệt.

Tuy nhiên, dù đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn về vấn đề này, song đến nay Bộ TT-TT vẫn chưa có ý kiến chính thức với Chính phủ về VNPT.

Tháng 6 vừa rồi, Bộ đã báo cáo với Thủ tướng về việc VNPT đang trong giai đoạn thanh tra theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ.

“Kết luận của thanh tra là cơ sở quan trọng để góp phần tái cơ cấu phù hợp. Vì thế, sau khi có kết quả thanh tra trong thời gian tới, Bộ sẽ chính thức có văn bản thẩm định tái cơ cấu VNPT”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2013 do Bộ TT-TT tổ chức.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2013 do Bộ TT-TT tổ chức.

Trước đó, ngày 8/3/2012, Thanh tra Chính phủ đã quyết định thanh tra tại VNPT trong thời gian gần 3 tháng.

Thanh tra Chính phủ đã thanh tra việc quản lý sử dụng vốn, tài sản tại VNPT và các đơn vị thành viên trong khoảng thời gian từ khi VNPT thành lập năm 2006 đến hết năm 2011.

Tại Hội nghị này, ông Phạm Long Trận, Chủ tịch HĐTV VNPT đã xin ý kiến chỉ đạo từ Bộ TT-TT về kế hoạch tái cơ cấu tập đoàn. Theo đề án tái cấu trúc của VNPT trình Thủ tướng, một trong những phương án trình ra là hợp nhất MobiFone - VinaPhone thành Tổng công ty Thông tin di động VNPT (gọi tắt là VNPT - Mobile).

Nếu được phê duyệt, VNPT sẽ hình thành bộ máy quản lý, điều hành của tổng công ty nhằm thống nhất quản lý, dùng chung cơ sở hạ tầng, duy trì kinh doanh cả hai thương hiệu MobiFone và VinaPhone.

Đây được xem là phương án có lợi nhất cho Tập đoàn so với 2 phương án còn lại là cổ phần hóa một trong 2 mạng di động VinaPhone/MobiFone hoặc cổ phần hóa toàn bộ tập đoàn

Ý tưởng hợp nhất trước đó vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng sẽ vi phạm Luật cạnh tranh. Luật quy định, “cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan”.

Tuy nhiên, theo Sách Trắng CNTT 2011 về thị phần thông tin di động, MobiFone chiếm 29,11%, VinaPhone chiếm 28,71% thị phần viễn thông cả nước, khiến thị phần kết hợp của hai doanh nghiệp lên tới gần 60% với khoảng gần 80 triệu thuê bao. Do vậy, nhiều nhận định cho rằng, ý tưởng hợp nhất là “bất khả thi”.

Song mới đây, Sách Trắng 2012 lại gây “sốc” với việc thị phần thông tin di động của MobiFone bất ngờ sụt giảm 40%, xuống còn 17,9%, trong khi của VinaPhone tăng lên 30,07%. Đồng nghĩa với việc thị phần kết hợp của hai mạng đã dưới 50%, đáp ứng yêu cầu của Luật Cạnh tranh.

Đặt giả thiết thông qua hợp nhất, “thế chân vạc” cũng sẽ bị phá vỡ, thị trường sẽ tập trung vào 2 trụ cột là VNPT và Viettel với tổng thị phần 89,05%; 10% còn lại chia cho các nhà mạng nhỏ.

Cũng theo báo cáo của Chủ tịch VNPT tại Hội nghị lần này, trong năm 2012, hoạt động kinh doanh của tập đoàn không đạt kết quả như kỳ vọng.

Doanh thu VNPT năm nay chỉ đạt hơn 130.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm ngoái song chỉ bằng 1/3 so Tập đoàn Viễn thông Quân Đội (Viettel). Trong khi đó, lợi nhuận thấp hơn năm ngoái 1.500 tỷ đồng, đạt 85.000 tỷ.

Nguyễn Hương – Bích Diệp