1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Thủ tướng nêu 6 nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành ngân hàng

Hà Phong Phương Liên

(Dân trí) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước và toàn ngành ngân hàng tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm trong bối cảnh hiện nay.

Thủ tướng Chính phủ đã có những chia sẻ tại sự kiện Vietcombank kỷ niệm 60 năm thành lập và đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động diễn ra sáng nay (31/3).

Đánh giá cao việc Vietcombank chủ động hỗ trợ xử lý ngân hàng yếu kém

Theo Thủ tướng, sự kiện này có ý nghĩa quan trọng. "Tôi đánh giá cao Vietcombank đã chủ động tích cực tham gia hỗ trợ xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém góp phần ổn định tình hình giữ vững an ninh tiền tệ tín dụng ngân hàng, củng cố niềm tin của nhân dân", Thủ tướng bày tỏ.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đánh giá cao việc ngân hàng trên đã dành 3.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn vùng sâu vùng xa, vùng biên giới hải đảo, dân tộc ít người, thúc đẩy tín dụng xanh…

Thủ tướng nêu 6 nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành ngân hàng - 1

Thủ tướng Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập và đón nhận danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động của Vietcombank (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Cũng tại sự kiện này, Thủ tướng nói thêm về bối cảnh kinh tế thế giới. Cụ thể, bối cảnh hiện nay là thế giới tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine vẫn còn căng thẳng, lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất tăng, nhiều nước suy giảm tăng trưởng...

Ngoài ra, rủi ro trên các thị trường tài chính tiền tệ, bất động sản quốc tế có xu hướng gia tăng. Nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn thách thức do tác động từ bên ngoài, nhất là về thương mại đầu tư tài chính tiền tệ. Những bất cập tồn tại kéo dài từ lâu đã bộc lộ rõ hơn các khó khăn và trong khi dịch bệnh thiên tai biến đổi khí hậu ngày càng bất thường gây hậu quả rất nặng nề khó dự đoán.

"Bối cảnh đó đặt ra nhiệm vụ rất nặng nề đối với các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là hệ thống ngân hàng có vai trò huyết mạch của nền kinh tế", Thủ tướng chia sẻ.

"Tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước và toàn ngành ngân hàng phục vụ phát huy những truyền thống tốt đẹp đạt được qua các thời kỳ, nỗ lực cố gắng quyết tâm cao hơn nữa để tháo gỡ khó khăn vượt qua thách thức trong giai đoạn tới đây, nhất là trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế còn nhiều khó khăn như đã nêu ở trên", Thủ tướng nhấn mạnh.

6 nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành ngân hàng

Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước và toàn ngành ngân hàng tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao hơn nữa để tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức trong thời gian tới, nhất là trước bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức như đã nêu trên; tập trung thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01 của Chính phủ và nhiều chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó chú trọng một số nội dung trọng tâm.

Thứ nhất là thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả hơn nữa; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thứ hai là tăng cường phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; trong thiết kế, xây dựng và thực hiện các chính sách liên quan, cần lưu ý tìm giải pháp, cách làm, lộ trình phù hợp, hiệu quả để bảo đảm sự cân bằng hài hòa, hợp lý về 4 vấn đề quan trọng: Giữa lãi suất và tỷ giá; giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu; giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; giữa tình hình bên trong và tình hình bên ngoài.

Thứ ba là rà soát, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất, chi phí cho vay, gắn với kịp thời thực hiện các giải pháp phù hợp góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thiết thực cho sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân; đồng thời rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng khả năng tiếp cận tín dụng kịp thời, hiệu quả cho doanh nghiệp, người dân.

Thứ tư là bảo đảm tăng trưởng tín dụng kịp thời, hợp lý, hiệu quả gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu), góp phần tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội (nhất là lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở công nhân).

Thứ năm là tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp phù hợp về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, gia hạn nợ…; nâng cao năng lực tài chính, quản trị và chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng; đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát, bảo đảm tuyệt đối an toàn hệ thống và an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

Thứ sáu là tiếp tục đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố, tăng cường niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.