1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Thuế thu nhập cá nhân vẫn thiếu công bằng

Với số thuế đã đóng 2,87 tỉ đồng cho năm 2006, bà Lê Thị Minh Hòa hiện là người Việt Nam đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cao nhất Việt Nam, sau gần 3 năm thực hiện Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao. Ông Nguyễn Thái Sơn, Trưởng Phòng Thuế TNCN - Cục Thuế TPHCM, cho biết như trên vào sáng 22/2.

10 người nộp thuế 5,2 tỉ đồng

Đây được cho là sự kiện “bùng nổ” trong ngành thuế, bởi so với hàng trăm ngàn đối tượng nộp thuế TNCN là người Việt Nam, mức này... cao chót vót! Năm 2006, người nộp thuế TNCN nhiều nhất tại Việt Nam (cho năm 2005) là một chuyên gia nước ngoài với 7 tỉ đồng.

 

Thuế thu nhập cá nhân vẫn thiếu công bằng  - 1
 

Theo ông Sơn, mức thuế thu nhập đã đóng của bà Hòa cao hơn rất nhiều so với người đóng thuế nhiều xếp thứ nhì là ông Vũ Thế Dự, thuộc Văn phòng đại diện (VPĐD) GFK Asia Pte Ltd tại TPHCM với 383,1 triệu đồng. Hiện Phòng Thuế TNCN - Cục Thuế TPHCM đã chốt danh sách 10 người đóng thuế thu nhập cao nhất trong năm nay (đóng cho năm 2006), tổng mức thuế đã đóng của “top ten” này là 5,2 tỉ đồng. Trong đó, xếp cuối danh sách là bà Võ Thị Phượng, thuộc VPĐD Sanofi Pasteur S.A tại TPHCM, với 179,7 triệu đồng.

 

Phân tích bảng số liệu 10 người nộp thuế thu nhập cao nhất cho thấy hầu hết trong số họ đang làm việc cho các VPĐD hoặc các công ty nước ngoài, nhiều người thuộc lĩnh vực dược phẩm - y tế. Thu nhập của họ gồm tiền lương và thưởng, hoa hồng tại một nơi làm việc (cũng là nơi chi trả thu nhập); việc kê khai thu nhập, nộp thuế do một công ty trung gian thực hiện.

 

Thiếu công bằng...!

 

Ông Nguyễn Thái Sơn giải thích sự đột biến nói trên là nhờ tinh thần tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế của những người có thu nhập cao đang làm việc cho các đơn vị nước ngoài. Đồng thời, sự kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong năm qua có tác động gián tiếp.

 

Cụ thể, các hãng, công ty “mẹ” thường luôn yêu cầu các công ty “con” hoặc VPĐD thực hiện chặt chẽ việc kê khai thu nhập và nộp thuế của nhân viên theo quy định của nước sở tại. Nay Việt Nam đã là thành viên chính thức của WTO, thông lệ quốc tế đòi hỏi các thành viên “chung sân” phải thực hiện chính sách thuế chặt chẽ hơn.

 

Ngành thuế cũng đã nhìn nhận một thực trạng rằng việc kiểm soát và hành thu thuế TNCN đối với các lao động đang làm việc cho các VPĐD nước ngoài trong vài năm gần đây chưa đúng mức. Trong số các VPĐD có người đóng thuế thu nhập cao, còn rất nhiều “đại gia” trong các ngành “đỉnh” như dược, bảo hiểm, thực phẩm... vắng bóng! Hiện có khoảng 2.500 VPĐD đang hoạt động tại TPHCM. Trong số này, do quy định (tại Nghị định 45/2000/NĐ-CP) về trách nhiệm nộp thuế TNCN của lao động tại VPĐD còn lỏng lẻo nên dẫn tới tình trạng VPĐD muốn khai bao nhiêu thì khai.

 

Sự kiện trên làm lộ diện một thực tế trái khoáy khác, đó là những người có thu nhập cao, chính đáng, ý thức chấp hành quy định thuế tốt, phải đóng thuế cao. Trong khi đó, những người có thu nhập cao khác, như các nhà đầu tư chứng khoán chẳng hạn, lại được miễn trừ theo quy định tại Pháp lệnh Thuế Thu nhập hiện hành.

 

Dù Luật Thuế TNCN tương lai nhắm đến những người chơi chứng khoán (ví dụ, mức thuế đánh vào lợi nhuận chuyển nhượng chứng khoán là 25%) nhưng đến năm 2009 mới có hiệu lực. Như vậy, phải mất ít nhất 2 năm nữa mới tìm được sự công bằng giữa các đối tượng nộp thuế.

 

Theo Quý Dương

Báo Người lao động