1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Vay ưu đãi: Đừng mơ!

Dù các ngân hàng liên tiếp công bố hàng loạt chương trình ưu đãi tín dụng, hỗ trợ cho vay với lãi suất chỉ từ 14%-15%/năm nhưng các doanh nghiệp vẫn đang “chết mòn” vì thiếu vốn

Vay ưu đãi: Đừng mơ!
Lãi suất đầu vào giảm mạnh còn 11%/năm nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn phải vay vốn với lãi suất 17%-18%.

 

Có doanh nghiệp không ngại thốt lên: “Nghe giảm lãi suất, mừng lắm nhưng chỉ mừng một chốc rồi thôi bởi có… mơ mới vay được mức này!”.

 

“Đứng nhìn” lãi suất thấp

 

Than thở với chúng tôi, ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty Thực phẩm Phú An Sinh, cho biết doanh nghiệp đang gặp khó khăn chồng chất vì không thể vay vốn lưu động bổ sung cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Năm 2009, Phú An Sinh theo chủ trương của TP di dời nhà máy khỏi nội thành nên đã đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm khép kín tại Đồng Nai với số vốn hơn 40 tỉ đồng.

 

“Nếu cộng cả đất đai, nhà xưởng, tài sản thế chấp lên tới gần 50 tỉ đồng nhưng ngân hàng (NH) định giá cho vay chỉ hơn chục tỉ đồng” - ông Minh nói. Đến giờ, cần hơn chục tỉ đồng vốn lưu động nhưng NH không giải ngân tiếp vì doanh nghiệp hết tài sản thế chấp, đang vướng nợ quá hạn. Ngay khoản vay dài hạn của công ty vẫn phải chịu lãi suất 18%/năm.

 

Tương tự, Tổng Giám đốc Công ty May Minh Tiến Nguyễn Trí Kiên cho hay doanh nghiệp đang chuẩn bị hàng cho mùa tựu trường năm học tới nên rất cần vốn lưu động. Vậy mà NH không nhận thế chấp hàng tồn kho, trong khi tài sản là bất động sản, nhà xưởng đều đã thế chấp hết…

 

Theo NH Nhà nước, hiện mức lãi suất cho vay nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ phổ biến ở mức 13,5%-15%/năm; cho vay đối với sản xuất kinh doanh khác 14%-17,5%/năm; cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất 16,5%-20%/năm.

 

Tuy nhiên, ngày 31-5, một số doanh nghiệp cho biết đang phải vay vốn với lãi suất rất cao. Trao đổi với một số doanh nghiệp trong ngành thực phẩm, họ cho biết vẫn phải vay lãi suất trên dưới 20%/năm. “Lãi suất ưu đãi 14%/năm chúng tôi chỉ dám… mơ. Các NH không mặn mà cho vay ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm khiến nhiều doanh nghiệp đang “chết mòn” - ông Phạm Văn Minh than.

 

Nói về mức lãi suất ưu đãi 14%/năm, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ cười trừ: “Đó là trên lý thuyết, còn thực tế không biết mấy ai vay nổi”. Ngay cán bộ tín dụng một NH thương mại cổ phần tại TPHCM cũng thừa nhận: Muốn vay được lãi suất ưu đãi là không hề đơn giản. Theo nhân viên này, doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không có báo cáo tài chính đầy đủ, trong khi muốn được vay phải có đơn vị kiểm toán độc lập thẩm định kết quả kinh doanh. Hoặc kết quả kinh doanh phải trùng với hồ sơ nộp thuế, trong khi một số doanh nghiệp nhỏ và vừa thường có 2 - 3 loại báo cáo…

 

Cần giải quyết nợ xấu của doanh nghiệp

 

Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Á Châu (ACB) Đỗ Minh Toàn cho rằng NH chỉ giải ngân cho những khách hàng đủ điều kiện, có năng lực quản trị và tài sản thế chấp. Dù có quy định ưu tiên lãi suất cho 4 nhóm đối tượng nhưng còn phải thỏa mãn điều kiện của từng NH. Tùy theo việc đánh giá rủi ro, mỗi NH sẽ quyết định cho doanh nghiệp vay hay không và mức lãi suất bao nhiêu.

 

“Nếu doanh nghiệp vay vốn thế chấp bằng bất động sản, lãi suất có thể là 15%/năm, nhưng thế chấp bằng hàng hóa rủi ro cao hơn nên lãi suất phải từ 17%/năm” - vị này giải thích.

 

Theo ACB, trong 100 khách hàng doanh nghiệp chỉ có khoảng 5%-10% doanh nghiệp hoạt động tốt, 30%-40% doanh nghiệp hoạt động trung bình, 30%-40% doanh nghiệp đang gặp khó khăn và số còn lại đang vướng nợ quá hạn không thể cấp tín dụng tiếp.

 

Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM Phạm Ngọc Hưng cho rằng sức mua trên thị trường giảm mạnh, hàng tồn kho tăng cao làm NH e ngại cho vay có thể tăng nợ xấu. Vì vậy, phải xử lý bằng được nợ xấu của doanh nghiệp, khi đó NH mới mặn mà cấp tín dụng.

 

“Nên thành lập công ty mua bán nợ do NH Nhà nước quản lý để mua lại nợ xấu của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có cơ hội vượt qua khó khăn. doanh nghiệp còn làm ăn được mới có cơ hội trả nợ” - vị này đề xuất.

 

Theo chuyên gia kinh tế TS Bùi Kiến Thành, để gỡ bài toán lưu thông vốn giữa NH và doanh nghiệp cần có sự đồng thuận của cả 2 phía. Bởi nếu doanh nghiệp không đưa ra được những dự án tốt, khả thi thì rất khó để xem xét vay vốn. Nhưng NH cũng nên hợp tác bởi “doanh nghiệp mới chính là “nồi cơm” của NH”. Nếu các dự án có triển vọng tốt, hiệu quả, NH không nên chỉ lăm lăm đòi tài sản thế chấp mà có thể lấy chính dự án đó để bảo đảm. Đồng thời, Chính phủ nên có giải pháp tạo điều kiện giải quyết nợ xấu như khoanh nợ, dãn nợ cho doanh nghiệp.

 

 Sẽ tiếp tục kéo giảm trần lãi suất

 

Theo thông tin tại cuộc họp giữa NH Nhà nước với 14 NH thương mại vừa được tổ chức tại TPHCM bàn biện pháp bơm vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, trần lãi suất huy động có thể giảm về 9%/năm, lãi suất cho vay xuống mức 12% - 13%/năm từ nay đến cuối năm nếu điều kiện kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Có thể áp trần huy động với tiền gửi có kỳ hạn ngắn dưới 1 năm, còn các khoản tiền gửi kỳ hạn 1 năm trở lên các NH sẽ được thỏa thuận lãi suất...

 

Theo chuyên gia kinh tế TS Vũ Đình Ánh, lãi suất giảm nhanh hay chậm phụ thuộc vào tốc độ giảm của lạm phát. NH Nhà nước cũng nên cân nhắc kỹ bởi xu hướng áp trần chỉ là tạm thời, là biện pháp hành chính chứ không phải công cụ thị trường.

 

Theo Thái Phương

NLĐ