1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Việt Nam thoát khỏi phép tính Zeroing của Mỹ

Bắt đầu từ 16/1, tuân thủ theo quyết định của WTO, Bộ Thương mại Mỹ sẽ buộc phải bãi bỏ phương pháp “quy về không” (Zeroing) để tính biên độ phá giá trong các vụ kiện thương mại. Với tư cách thành viên WTO, Việt Nam sẽ thoát được một nguy cơ.

Tuy nhiên, Mỹ cũng tuyên bố sự thay đổi này không áp dụng với các vụ bán phá giá đã có kết luận, cũng như các vụ đang trong quá trình xem xét lại.

Zeroing là một phương pháp đã gây tranh cãi rất nhiều. Trong một mặt hàng bị kiện chống phá giá, Bộ Thương mại Mỹ sẽ lấy nhiều sản phẩm trong nhóm để so sánh với giá được coi là “chuẩn”.

Nếu một sản phẩm có giá thấp hơn “chuẩn”, biên độ phá giá là “dương”, nhưng sản phẩm khác có giá cao hơn “chuẩn”, biên độ phá giá không tính là “âm" mà bị qui về bằng 0. Kết quả là một con số bình quân giữa “dương” và “0” được áp lên tất cả nhóm sản phẩm.

Do tính chất thiên vị, phương pháp này không chỉ gây thiệt hại cho người bị kiện mà còn tạo động cơ khuyến khích các doanh nghiệp của Mỹ khởi kiện. Theo thống kê của WTO, Mỹ là nước hăng hái nhất trong việc điều tra chống phá giá, với 352 vụ trong 10 năm qua.

Từ tháng 6/2003, Liên minh Châu Âu (EU) đã khiếu nại lên WTO về phương pháp Zeroing của Mỹ. Tiếp đó, một loạt các thành viên khác trong WTO cũng đệ đơn đồng khiếu kiện, trong đó có Argentina, Braxin, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ…

Sau nhiều lần tranh cãi và gia hạn kết luận, đến tháng 5/2006, Cơ quan Giải quyết Bất đồng (DSB) của WTO đã có kết luận cuối cùng: phương pháp Zeroing của Mỹ trái với các nguyên tắc của WTO.

Ngày 9/1/2007, WTO một lần nữa ra quyết định theo đơn khiếu kiện của Nhật: phương pháp Zeroing của Mỹ là trái luật.

Liên quan đến Việt Nam

Với tư cách thành viên mới của WTO, Việt Nam có thể tránh được những thiệt hại như thế nào? Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Thương mại đã trao đổi thêm với báo giới.

Bà có thể cho biết rõ hơn về cách tính “quy về không” (Zeroing) trong việc tính toán biên độ phá giá của Hoa Kỳ?

Như chúng ta đã biết, tại bản Thông báo số WT/DS294 ngày 31/10/2005 liên quan đến các quy định và phương thức tính toán biên độ phá giá “Quy về không” (Zeroing) trong điều tra chống bán phá giá của Hoa Kỳ, Cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã kết luận việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) không thực hiện bù trừ khi sử dụng phương pháp so sánh trung bình trong điều tra chống bán phá giá là không phù hợp với Điều 2.4.2 của Hiệp định chống bán phá giá của WTO.

Theo Hiệp định chống bán phá giá của WTO, cơ quan điều tra phải tính toán giá bình quân gia quyền của tất cả các sản phẩm được bán. Do đó, nếu thực hiện phương thức tính toán có bù trừ cho những kết quả là âm (-) thì tổng chênh lệch giá bằng 0 và phải kết luận là công ty của EU không bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ. Tuy nhiên, từ trước đến nay Mỹ vẫn áp dụng cách tính riêng mang tên "Quy về không" hay Zeroing.

Việt Nam đã chịu thiệt hại gì trong vụ cá tra - basa và tôm trước đây khi Hoa Kỳ sử dụng cách tính Zeroing?

Trong vụ kiện sản phẩm tôm của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, theo tính toán và đánh giá của các luật sư Hoa Kỳ đã tham gia tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam thì nếu Bộ Thương mại Hoa Kỳ không áp dụng cách tính “quy về không”, có nghĩa là nếu họ thực hiện phép tính bù trừ cho những so sánh có biên độ phá giá âm, thì kết quả là các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam không bán phá giá, thậm chí biên độ phá giá sẽ là - 9%.

Do cách tính Zeroing, hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của ta đang bị chịu mức thuế chống bán phá giá từ 4.13 - 25.76%.

Với việc Hoa Kỳ từ bỏ phương pháp Zeroing, ta có thể được lợi gì khi đối mặt với rủi ro bị kiện bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ?

Việc Hoa Kỳ đưa ra quyết định bỏ cách tính Zeroing trong các vụ việc  điều tra biên độ phá giá là nhằm thực hiện kết luận của Cơ quan giải quyết tranh chấp WTO và sửa đổi phương pháp tính toán biên độ phá giá của mình phù hợp với quy định tại Điều 2.4.2 của Hiệp định chống bán phá giá WTO.

Do đó, việc điều tra và tính toán biên độ phá giá của Hoa Kỳ sẽ được công bằng hơn, sẽ phản ánh được chính xác hơn thực tiễn về hoạt động sản xuất, xuất khẩu cũng như những lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các nước xuất khẩu khác khi phải đối mặt với rủi ro bị kiện bán phá giá ở thị trường Hoa Kỳ.

Xin cám ơn bà.

Theo Bùi Văn
VietNamnet