1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bắc Giang thúc đẩy chuyển đổi số, tạo việc làm cho lao động miền núi

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Tỉnh Bắc Giang từng bước phát triển, mở rộng thị trường, việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi khi chỉ số chuyển đổi số tăng vượt bậc.

Theo số liệu từ Sở thông tin và truyền thông tỉnh Bắc Giang, chỉ số chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh đang đứng thứ 9 trên cả nước trong năm 2022, tăng 1 bậc so với năm 2021. Ngoài ra, chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin Việt Nam (ICT Index) xếp thứ 5 cả nước.

Bắc Giang thúc đẩy chuyển đổi số, tạo việc làm cho lao động miền núi - 1

Đồng bào dân tộc miền núi bán các sản phẩm nông sản qua mạng (Ảnh minh họa: Trọng Bảo).

Thực tế, tỉnh Bắc Giang có 140.000 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ dân đưa hàng hóa lên sàn giao dịch điện tử. Trong 2 năm gần đây, có 200.000 giao dịch hàng hóa trong địa bàn tỉnh được thực hiện trên nền tảng số, trị giá gần 100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, không ít chợ truyền thống, trung tâm thương mại, cơ sở dịch vụ công cũng có sự xuất hiện của "thanh toán không tiền mặt".

Đơn cử, xã Hương Sơn là địa phương miền núi duy nhất ở huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) được hỗ trợ tiếp cận với công nghệ số, nhằm mở rộng đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

Đến nay, toàn xã có hơn 100 hộ trồng dứa, gần 20 hộ chăn nuôi gà tạo thu nhập trung bình 150-200 triệu đồng/hộ/năm. Vào tháng 7/2021, UBND xã Hương Sơn đã định hướng cho các hộ thành lập HTX, trong đó có HTX Dứa sạch Hương Sơn và HTX Gà núi Hương Sơn.

Theo hướng phát triển chuyển đổi số, địa phương đã giúp các HTX ứng dụng công nghệ cao vào các khâu sản xuất, tiêu thụ, đóng gói bao bì nhằm đẩy mạnh việc kinh doanh.

Trong Chương trình mục tiêu phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Giang chi gần 110 tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị cho các HTX, doanh nghiệp.

Chương trình nhằm gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo và một số hộ không thuộc hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Tỉnh cũng chi 2,7 tỷ đồng để xây dựng ứng dụng phục vụ công tác quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX, cài đặt trên thiết bị thông minh (điện thoại, máy tính bảng, máy vi tính,…); thực hiện hỗ trợ, phát triển các mô hình HTX ứng dụng công nghệ 4.0 phục vụ công tác quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, 5 mô hình khởi nghiệp HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,…