Bỏ 24 năm công chức về làm món ăn quê, chốt đơn mỏi tay lãi 150 triệu/tháng

Thái Bá

(Dân trí) - Hơn 24 năm công tác trong cơ quan nhà nước, đang ở vị trí Phó trưởng phòng, chị Nguyễn Thị Lệ Thanh bất ngờ xin nghỉ việc về nhà khởi nghiệp với món ăn quê dân dã.

Quyết định nghỉ việc gây ngỡ ngàng

Hơn 3 tháng nay, mỗi sáng thức giấc, thay vì chuẩn bị quần áo chỉnh tề, trang điểm chỉn chu đến công sở làm việc, chị Nguyễn Thị Lệ Thanh (48 tuổi, trú TP Ninh Bình, Ninh Bình) lại tất bật với việc đi chợ chọn mua nguyên liệu, chuẩn bị cho ngày sản xuất mới để làm ra món ăn đặc sản vùng đất cố đô Hoa Lư.

Bỏ 24 năm công chức về làm món ăn quê, chốt đơn mỏi tay lãi 150 triệu/tháng - 1

Chị Lệ Thanh quyết định nghỉ việc nhà nước về nấu món ăn quê dân dã để khởi nghiệp (Ảnh: Thái Bá).

Chị Thanh kể, sau khi tốt nghiệp cử nhân tài chính tín dụng trường đại học Tài chính kế toán ở Hà Nội, năm 1999 chị được nhận vào công tác tại văn phòng Sở Giao thông vận tải tỉnh Ninh Bình.

Năm 2007, từ văn phòng Sở, chị được chuyển sang phụ trách kế toán tại Ban quản lý dự án vốn nước ngoài, sau đó chuyển đến Ban quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh Ninh Bình. Năm 2020, chị được bổ nhiệm giữ chức Phó phòng Tổ chức hành chính của ban.

Sau hơn 24 năm công tác trong cơ quan nhà nước, nhiều người cứ nghĩ chị Thanh sẽ gắn bó với công việc chuyên môn đến lúc về hưu. Bất ngờ, đầu tháng 3/2023, chị xin nghỉ việc trước sự ngỡ ngàng của lãnh đạo cơ quan, đồng nghiệp và người thân trong gia đình.

Nữ công chức nghỉ việc nhà nước về làm món ăn dân dã "vạn người mê" (Video: Thái Bá).

Chị Thanh chia sẻ: "Khi tôi định nghỉ việc, nhiều người can ngăn vì đã có hơn 24 năm làm việc, giờ nghỉ làm, khởi nghiệp lại lúc gần 50 tuổi thì rất gian nan. Ai cũng khuyên nên suy nghĩ lại, nhưng tôi vẫn quyết tâm thực hiện kế hoạch dự tính".

Chị Thanh cho biết lý do nghỉ việc nhà nước là vì bản thân có một đam mê khác đang theo đuổi, đó là sản xuất ra món thịt chưng mắm tép đặc sản Ninh Bình. Cùng lúc làm việc nhà nước và theo đuổi đam mê thì rất khó hoàn thành cả hai. Vì thế, sau nhiều đêm trăn trở, chị quyết định nghỉ công việc đã gắn bó 24 năm để tìm hướng đi mới cho tương lai.

Chốt đơn mỏi tay

Công việc mỗi ngày của chị Thanh bắt đầu từ 6h sáng, chuẩn bị nguyên liệu như thịt lợn, hành băm, mắm tép… sẵn sàng để chuẩn bị cho công đoạn chưng thịt heo, cho ra lò món ăn dân dã "vạn người mê".

Bỏ 24 năm công chức về làm món ăn quê, chốt đơn mỏi tay lãi 150 triệu/tháng - 2

Mỗi buổi sáng chị Thanh tất bật với công việc nấu món ăn quê (Ảnh: Thái Bá).

Chị Thanh kể, bản thân là một phụ nữ rất đam mê nội trợ. Thấy món ăn ngon quê hương, chị tìm hiểu và làm cho bằng được, rất tâm đắc với món mắm tép truyền thống tiến vua tại Gia Viễn quê mẹ.

Cách đây gần 5 năm, chị đã mày mò, chế biến thành công món thịt heo chưng mắm tép. Sau khi được đánh giá là sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Ninh Bình, món ăn chị làm ra trở thành đặc sản. Cũng từ đây, chị gây dựng được thương hiệu riêng.

Món ăn chinh phục được nhiều khách hàng, đạt được nhiều danh hiệu như Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Ninh Bình và khu vực phía Bắc năm 2022. Bản thân chị cũng được ghi nhận là "Nông dân nói không với thực phẩm bẩn tỉnh Ninh Bình"…

"Khi quyết định nghỉ việc nhà nước, về nhà tôi thành lập luôn hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nông sản và dành toàn bộ thời gian cho việc sản xuất ra món ăn đặc sản này để có thể cung ứng ra thị trường khắp nơi trong nước", chị Thanh nói.

Chị gái quê cố đô Hoa Lư giải thích, món thịt chưng mắm tép thì nhiều nơi có. Tuy nhiên, thứ sản phẩm mang đậm đà hương vị vùng chiêm trũng thì chỉ quê chị mới có. Món thịt chưng mắm tép do chị làm ra được nhiều người tấm tắc khen ngon vì chạm được vào nỗi nhớ quê hương như thế.

Bỏ 24 năm công chức về làm món ăn quê, chốt đơn mỏi tay lãi 150 triệu/tháng - 3

Món ăn quê còn gây ấn tượng với thực khách nước ngoài (Ảnh: Thái Bá).

Chị Thanh tiết lộ về cách chế biến ra món ăn "vạn người mê" của mình: "Mỡ lợn xay hạt lựu, xao cùng hành khô bào mỏng phi thơm rồi mới đổ thịt lợn băm vào đảo thật kỹ để thịt ngấm gia vị, thật thơm mùi hành. Mắm tép được cho vào 3 lần trong cả công đoạn chế biến để mắm ngấm sâu vào từng miếng thịt.

Quá trình chưng thịt heo với mắm tép phải mất thời gian khoảng 3 tiếng. Công đoạn khó nhất là điều chỉnh lửa bếp sao cho vừa đủ nhiệt, để phần thịt băm săn khô và đậm vị mắm tép quê, ngậy mà không ngấy".

Hiện món ăn dân dã được làm công phu của chị Thanh có chỗ đứng trên thị trường, mỗi ngày chị bán ra từ 30 - 50kg thịt chưng mắm tép thành phẩm với các hương vị Bắc - Trung - Nam. Doanh thu mỗi tháng từ 300 - 400 triệu đồng, trừ hết chi phí U50 "đút túi" hơn 150 triệu đồng.

"Nhiều người dùng món ăn thịt chưng mắm tép của mình, muốn gửi cho người thân ở nước ngoài nhưng khó vì vướng thủ tục hải quan. Hy vọng một ngày không xa, khó khăn này sẽ được tháo gỡ. Như vậy món ăn quê mới bay cao và vươn đi xa hơn, giúp cho bà con nông dân làm giàu", chị Thanh nói về định hướng phát triển của mình.