Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4):

Chàng trai khuyết tật tạo việc làm cho 50 bạn trẻ trên đất Thủ đô

Phạm Công

(Dân trí) - "Tôi nhận đơn hàng với giá rẻ để có việc làm. Nhiều khách hàng khó tính, tôi còn không dám gặp mặt vì sợ thấy khuyết tật thì hủy hợp đồng. Phải cố gắng để có tiền trả nợ và không làm mất niềm tin...".

Khát vọng làm chủ cuộc đời

Sinh ra và lớn lên tại huyện nghèo Quảng Trạch (Quảng Bình), anh Phan Sơn Hương kém may mắn khi mang hình thể không được bình thường. Chàng trai sinh năm 1985 bị khuyết tật chân phải với chiếc lưng bị gù. Thế nhưng, anh luôn đau đáu việc phải tự lập để không làm gánh nặng cho gia đình.

Chia sẻ của chàng trai khuyết tật vươn lên làm chủ cuộc đời

Anh Phan Sơn Hương chia sẻ: "Hồi bé tôi không thể đi lại được, rồi thấy các bạn quanh nhà vui chơi, đi học, tôi thèm lắm, chỉ muốn nhào ra ngõ mà nô đùa nhưng đôi chân không thể cử động được. Thế rồi bằng sự thèm khát đi lại, chạy nhảy như các bạn đã thôi thúc tôi tập đi".

Sau nhiều năm tập đi, với những bước đi khó khăn, anh được bố mẹ đưa đến trường học. 18 tuổi, chàng trai khuyết tật đỗ Đại học Nghệ thuật Huế (giờ là ĐH Mỹ thuật Huế). Nhưng vì nhà nghèo, không thể có khả năng theo học, anh chuyển học nghề công nghệ thông tin với hy vọng sớm có thể đi làm phụ giúp bố mẹ.

"Lúc đó, tôi chỉ nghĩ là, với khả năng vận động hạn chế thì chỉ có theo học nghề công nghệ thông tin. Khi ấy ở quê tôi, công nghệ thông tin là điều gì đó còn rất mới mẻ. Hàng xóm bảo tôi hão huyền, thậm chí còn bảo tâm trí của tôi có vấn đề..." - anh Phan Sơn Hương bộc bạch.

Chàng trai khuyết tật tạo việc làm cho 50 bạn trẻ trên đất Thủ đô - 1

Chàng trai quê Quảng Bình từ một người khuyết tật vươn lên, gây dựng công ty tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật khác

Ra trường, tiếp tục theo học một khóa đào tạo lập trình viên miễn phí dành cho người khuyết tật. Cầm hồ sơ xin việc khắp mọi nơi, nhưng anh chỉ nhận được những cái lắc đầu. Vì nhà tuyển dụng nghi ngờ về khả năng.

Thân hình nhỏ bé và yếu ớt chỉ với 40kg nhưng ẩn sâu trong Phan Sơn Hương là nội lực không ai có thể ngờ. Anh chọn cách gắn bó với nghề sửa chữa điện tử ở quê hương.

"Năm 2014, cuộc sống khó khăn nơi làng quê khiến tôi nghĩ không thể cứ tiếp tục như này được, nên quyết tâm mang kinh nghiệm hiện có và số vốn ít ỏi vay mượn của người thân trong gia đình ra Hà Nội lập nghiệp" - anh Phan Sơn Hương cho biết.

Những ngày đầu ra Hà Nội, cuộc sống khó khăn về giọng nói cũng như hình thể khiến cuộc sống anh trở nên chật vật hơn ở quê. Không ít lần anh có ý định từ bỏ. Nhưng nghĩ về gia đình, về số tiền vay mượn anh cố gắng bám trụ, kết nối với những công ty, doanh nghiệp để nhận việc về làm. 

Chàng trai khuyết tật tạo việc làm cho 50 bạn trẻ trên đất Thủ đô - 2

Nhân viên công ty anh Hương đều là những người khuyết tật do chính anh đào tạo 

"Tôi nhận việc qua online với giá rất rẻ để có việc làm. Nhiều khách hàng khó tính tôi không dám gặp mặt vì sợ người ta thấy tôi khuyết tật thì hủy hợp đồng. Nhiều đêm tôi thức trắng để làm cho kịp thời gian trả khách. Tôi phải hết sức cố gắng, chứ về quê không thể có tiền trả nợ đồng thời mất hết niềm tin của mọi người" - anh Phan Sơn Hương nói.

Bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ và chất lượng các sản phẩm tốt, uy tín, công việc của anh ngày một nhiều hơn.

Đến đầu năm 2015, anh thành lập công ty lấy tên là Ngân Hà Xanh chuyên về marketing online và in ấn, thiết kế banner, backdrop sự kiện, sản xuất quà tặng có địa chỉ tại Thanh Xuân, (Hà Nội). Trong năm đầu tiên hoạt động, công ty của anh không chỉ trả hết nợ mà còn tạo việc làm cho 9 người bạn khuyết tật khác.

Thấu hiểu và sẻ chia

Thấu hiểu hơn ai hết sự khó khăn của người khuyết tật khi đi xin việc. Bằng sự cảm thông và chia sẻ, anh nhận nhiều bạn trẻ là người khuyết tật đến để học tập làm việc.

"Tôi hiểu sự khó khăn của người khuyết tật khi đi xin việc. Các bạn trẻ đến đây, tôi đều giúp đỡ học nghề miễn phí. Sau khi học xong tôi sẵn sàng nhận mọi người vào làm tại công ty".

Chàng trai khuyết tật tạo việc làm cho 50 bạn trẻ trên đất Thủ đô - 3

Anh Hương thường xuyên thăm hỏi và động viên anh chị em đồng cảnh ngộ trong công ty

Sau hơn 5 năm khởi nghiệp, không chỉ ký được nhiều hợp đồng với các đối tác, anh tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 50 người khuyết tật ở Hà Nội với mức lương 5 - 8 triệu đồng/tháng. 

Theo anh Phan Sơn Hương, để hòa nhập, người khuyết tật thì phải cố gắng nhiều hơn người bình thường. Có không ít bạn trẻ là người khuyết tật khác đã từng làm việc tại công ty anh, sau đó tạo dựng được cơ nghiệp riêng.

Vậy là từ một thanh niên khuyết tật, anh Phan Sơn Hương của ngày hôm nay đã là một nhà quản lý, sở hữu một công ty về marketing online và in ấn.

Chưa hài lòng với những gì đã có, anh dự định sẽ phát triển công ty mạnh hơn để có thể tạo công ăn việc làm, chỗ ở miễn phí cho những người kém may mắn.

Chàng trai khuyết tật tạo việc làm cho 50 bạn trẻ trên đất Thủ đô - 4

Tấm banner do anh Hương thiết kế chuẩn bị đến tay khách hàng 

Có việc làm, người khuyết tật tự tin hòa nhập cuộc sống

Chị Trần Phương Trang, trú tại Hoàng Mai, (Hà Nội), là nhân viên thiết kế nội dung tại công ty của anh Phan Sơn Hương tâm sự: "Trước khi biết đến công ty, tôi xin việc rất khó khăn vì hoàn cảnh khuyết tật về vận động. Lúc đó cảm thấy tự ti với cuộc sống, tôi có suy nghĩ là gánh nặng của gia đình và xã hội".

Chỉ đến khi được học tập và làm việc tại công ty đã 4 năm, chị Trần Phương Trang mới thực sự hiểu được giá trị của bản thân. Chị đã có thu nhập hàng tháng là 6 triệu đồng. Kiếm được tiền, phụ giúp gia đình, chị thấy vui vẻ và có ích cho xã hội hơn.

Chia sẻ về anh Phan Sơn Hương và những đồng nghiệp cùng cảnh ngộ, chị Lê Phương Trang nói: "Ở công ty, mọi người coi nhau như những người thân không những giúp đỡ nhau trong công việc mà còn chia sẻ cho nhau tâm sự và khó khăn trong cuộc sống".