1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đi làm mướn, nhân sự trẻ muốn "chôm" tư duy của ông chủ

Hoài Nam

(Dân trí) - Sinh viên đi làm thuê, làm mướn mong học được tư duy làm chủ nhưng trong công việc thực tế thường chỉ toàn gặp người đi thuê như mình, chẳng mấy khi thấy mặt... ông chủ.

Đó là nỗi lòng của một sinh viên đại học năm 3 chia sẻ tại chương trình Đối thoại cùng CEO về chủ đề "Sự học - Con đường lập nghiệp và khởi nghiệp" do Phòng công tác sinh viên và Trung tâm hợp tác doanh nghiệp, Trường Đại học Công nghệ TPHCM tổ chức. 

Không có trải nghiệm của người làm công thì rất khó làm chủ

Đi làm mướn, nhân sự trẻ muốn chôm tư duy của ông chủ - 1

Sinh viên đặt câu hỏi tại chương trình (Ảnh: Anh Sinh).

Nam sinh này chia sẻ bản thân đi làm thêm ở quán cà phê, làm nhiều việc khác nữa với mong muốn học hỏi, "chôm" được tư duy, cách quản lý, làm việc của những người làm chủ. 

"Nhưng khổ nỗi suốt quá trình làm việc, em cũng chỉ toàn gặp các nhân viên... đi làm mướn như mình, gần như không bao giờ gặp người quản lý hay người chủ. Vậy làm sao có thể học hỏi được từ họ?", cậu trai trẻ băn khoăn. 

Thắc mắc này xuất phát từ thực tế có nhiều lời khuyên dành cho các bạn trẻ, cho sinh viên mới ra trường nên đi làm thuê để học hỏi tư duy làm chủ trước khi muốn làm chủ. 

Trước câu hỏi này, shark Lê Hùng Anh - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành BIN Corporation - khuyến cáo "đừng nghĩ mình đi làm công là sẽ có ông thầy, ông quản lý hiện ra như ông Bụt để chỉ cho mình cách làm chủ". 

Học kinh nghiệm quản lý đã là một việc khó, tìm được người dạy việc đó còn khó hơn. Nếu may mắn, nhân sự trẻ có thể gặp được người chỉ dạy tốt nhưng mọi thứ đều phải bắt đầu từ chính bản thân mỗi người. 

Đi làm mướn, nhân sự trẻ muốn chôm tư duy của ông chủ - 2

Shark Lê Hùng Anh: "Sẽ chẳng có ông Bụt nào hiện ra chỉ cho bạn cách làm chủ" (Ảnh: Anh Sinh).

Theo ông Lê Hùng Anh, người đi làm công trước hết học được về quan hệ, ứng xử giữa đồng nghiệp với nhau. Khi làm thật tốt công việc của mình, nhân sự có thể được đề cử, cân nhắc lên vị trí quản lý. Từ đó, nhân sự tiếp tục có được góc nhìn, cách làm việc và cả cơ hội tiếp cận về mặt quản lý nhiều hơn. 

Người này nhấn mạnh, không có tư duy, trải nghiệm khó khăn của người làm công sẽ rất khó làm chủ. Tư duy làm chủ phải bắt đầu từ sự cố gắng, nỗ lực từ những việc rất nhỏ, từng bước từng bước một để trưởng thành. 

Các "shark" cũng ngại nói "kiếm tiền đi, làm giàu đi"

Nữ sinh Phạm Thị Kim Anh, sinh viên ngành quản trị kinh doanh bày tỏ nỗi hoang mang khi giờ đây lên Tiktok, YouTube toàn nghe các thông tin "bật lại mọi con đường em đang đi". 

Kim Anh dẫn chứng, như ngành quản trị doanh nghiệp được mạng xã hội định danh là "ngành vô dụng", theo cô "TikTok nói cũng có cái đúng vì đó là ngành dành cho con nhà giàu". Mạng xã hội cũng nêu thẳng ý kiến của giám đốc nhân sự rằng "nhà tuyển dụng đánh giá thấp nhất với các ứng viên tham gia nhiều câu lạc bộ"... 

Ông Lê Hùng Anh đáp lại, nói ngành học nào đó vô dụng hay phản đối việc học với bất kỳ ngành nghề nào là đi ngược sự phát triển của giáo dục. Mọi sự thành công đều phải bắt đầu từ việc học hành nghiêm túc.

Còn việc CEO nào đó coi nhẹ ứng viên tham gia nhiều câu lạc bộ, hoạt động xã hội chưa nói lên bức tranh đầy đủ về một doanh nghiệp.

Theo ông Anh, không thể phủ nhận giá trị của doanh nghiệp, của người đi làm là phải có lợi nhuận, phải ra tiền nhưng bên cạnh đó còn có nhiều giá trị khác như tạo ra việc làm, tạo ra sự gắn kết, tạo ra các giá trị xã hội, cộng đồng...

"Sinh lời là việc được chú trọng nhưng không có nghĩa những việc khác không được quan tâm. Nếu chỉ tập trung vào tiền, không có văn hóa doanh nghiệp thì nhân viên sẽ ra đi, doanh nghiệp sẽ sụp đổ", ông Lê Hùng Anh trấn an về mối lo, ứng viên trẻ tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa dễ bị nhà tuyển dụng tẩy chay. 

Từ trải nghiệm của bản thân, shark Hùng Anh cho hay, sinh viên mới ra trường chưa có kiến thức, kỹ năng nhưng thường tự tin hơn mức độ năng lực thật của bản thân, nhiều bạn nghĩ ra trường là hơn nhiều người nhưng thực tế... "ra đời mình chưa là gì". 

Đi làm mướn, nhân sự trẻ muốn chôm tư duy của ông chủ - 3

Sinh viên tại TPHCM tìm việc ở chương trình ngày hội việc làm (Ảnh: Anh Sinh).

Vị giám đốc nêu quan điểm, ông rất ngại và không thích nói về vấn đề "kiếm tiền đi, làm giàu đi". Ông tâm niệm, tiền bạc là thứ đến sau sự học, đến sau những nỗ lực của bản thân.

Người học đừng để mình nghèo về sự học, về kiến thức, tư duy, cách sống. Sinh viên cần học tốt những kiến thức ở trường, học từ bên ngoài đi cùng với yếu tố quan trọng nhất là rèn luyện đạo đức, thái độ thì đó chính là con đường của thành công, con đường của làm giàu.