Hỗ trợ thu hút lao động miền núi Thanh Hóa

Trần Lê

(Dân trí) - Cùng với việc hỗ trợ đầu tư dự án sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tỉnh Thanh Hóa còn có chủ trương hỗ trợ nhằm thu hút lao động tại các huyện miền núi.

Theo đó, đối tượng là các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam (sau đây gọi chung là doanh nghiệp), đầu tư dự án sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp vào các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa.

Doanh nghiệp được xem xét hỗ trợ đối với dự án chưa được hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; dự án thuộc danh mục các lĩnh vực sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp khuyến khích đầu tư vào các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa.

Hỗ trợ thu hút lao động miền núi Thanh Hóa - 1

Thanh Hóa có chủ trương hỗ trợ thu hút lao động miền núi (Ảnh: Thanh Tùng).

Đồng thời, lao động làm việc (ít nhất 50% lao động là người miền núi của tỉnh Thanh Hóa) được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn và đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại doanh nghiệp, có việc làm từ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề xuất hỗ trợ.

Doanh nghiệp được hỗ trợ một lần kinh phí thu hút lao động. Trường hợp đầu tư mở rộng, thu hút lao động thêm thì được tính như đầu tư mới. Tổng số lao động được hỗ trợ lớn nhất bằng tổng số lao động theo công suất tối đa của dự án và không quá 2 tỷ đồng/dự án.

Cụ thể, đối với các dự án đầu tư thuộc các huyện 30a: Sử dụng từ 50-100 lao động, được hỗ trợ 1 triệu đồng/người; sử dụng từ trên 100-500 lao động, được hỗ trợ 1,2 triệu đồng/người; sử dụng từ trên 500 lao động trở lên, được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người.

Đối với các dự án đầu tư thuộc các huyện miền núi còn lại: Sử dụng từ 100-500 lao động, được hỗ trợ 0,5 triệu đồng/người; sử dụng từ trên 500-1.000 lao động, được hỗ trợ 0,7 triệu đồng/người; sử dụng trên 1.000 lao động trở lên, được hỗ trợ 1 triệu đồng/người.

Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa cũng có chính sách hỗ trợ phát triển nghề, làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Đối tượng hỗ trợ là tổ chức, cá nhân có thành tích du nhập nghề tạo thành làng nghề mới hoặc khôi phục được làng nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Xem xét hỗ trợ các tổ chức, cá nhân được UBND cấp xã xác nhận có thành tích du nhập nghề tạo thành làng nghề mới hoặc khôi phục được làng nghề; được UBND cấp huyện tổ chức thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo quy định; làng nghề phải được UBND tỉnh quyết định công nhận.

Các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ một phần kinh phí để du nhập nghề mới tạo thành làng nghề hoặc khôi phục được làng nghề, được UBND tỉnh công nhận với mức hỗ trợ 0,5 tỷ đồng/làng nghề.

Nguồn kinh phí thực hiện chính sách trên từ nguồn ngân sách tỉnh Thanh Hóa. Thời gian thực hiện chính sách từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2026.