1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Người dân vùng cao thu cả trăm triệu đồng từ loại cây mọc hoang trong rừng

Quốc Triều

(Dân trí) - Người dân Quảng Ngãi tận dụng tán rừng trồng mây nước. Sau 5 năm, mỗi hecta mây nước có thể mang về cho người dân nguồn thu nhập 40-50 triệu đồng.

Từ năm 2012, người dân huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) bắt đầu thực hiện dự án Trồng mây nước dưới tán rừng phòng hộ. Ban đầu, dự án có quy mô 80ha với 40 hộ dân tham gia. Ông Phạm Văn Thót (xã Ba Trang, huyện Ba Tơ) là một trong những hộ dân đầu tiên tham gia dự án.

Ông Thót cho biết, trước đây, người dân vào rừng khai thác mây mọc hoang bán cho thương lái. Tuy nhiên, cây mây tự nhiên ngày càng ít đi. Trong khi đó, nhu cầu mây của thị trường khá lớn nên người dân bắt đầu trồng mây dưới tán rừng.

Người dân vùng cao thu cả trăm triệu đồng từ loại cây mọc hoang trong rừng - 1

Người dân huyện Ba Tơ thu hoạch cây mây nước (Ảnh: Quốc Triều).

Mỗi ha đất rừng có thể trồng xen 600-800 gốc mây nước. Cây mây nước nếu trồng dưới tán rừng có đầu tư phân bón, chăm sóc tốt thì chỉ sau 4-5 năm bắt đầu cho thu hoạch. Cây được chăm sóc và khai thác đúng quy trình sẽ cho thu hoạch liên tục 18-20 năm.

"Cây mây trồng khoảng 5 năm là cho thu hoạch. Cây trưởng thành đẻ nhánh rất nhanh nên cho thu hoạch liên tục, giúp chúng tôi có nguồn thu nhập thường xuyên", ông Thót nói.

Cây mây nước được thu mua với giá  4.200 đồng/kg, có thời điểm giá mây nước lên đến hơn 7.000 đồng/kg. Trung bình, mỗi ha mây nước trồng dưới tán rừng mang lại nguồn thu nhập 40-50 triệu đồng mỗi năm.

Người dân vùng cao thu cả trăm triệu đồng từ loại cây mọc hoang trong rừng - 2

Sau 5 năm trồng, mỗi ha mây nước có thể cho thu nhập 40-50 triệu đồng/năm (Ảnh: Quốc Triều).

Từ ngày thực hiện dự án trồng mây nước dưới tán rừng, người dân vào rừng thường xuyên hơn, qua đó góp phần bảo vệ rừng. Các khu rừng được giao cho người dân trồng mây không còn xảy ra tình trạng khai thác gỗ trái phép.

Do hiệu quả kinh tế cao lại bền vữngnên ngày càng nhiều hộ dân tham gia trồng mây nước. Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.000ha cây mây nước, tập trung chủ yếu ở các huyện Ba Tơ, Minh Long, Trà Bồng.

Người dân vùng cao thu cả trăm triệu đồng từ loại cây mọc hoang trong rừng - 3

Niềm vui của người dân vùng cao Quảng Ngãi trong mùa thu hoạch mây nước (Ảnh: Quốc Triều).

Ông Phạm Duy Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi, cho biết thời gian qua, ngành kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện các dự án, mô hình trồng mây nước dưới tán rừng.

Đây thực sự là hướng đi phù hợp nhằm góp phần phát triển kinh tế đồi rừng, nâng cao thu nhập cho người nông dân từ nghề rừng, tạo điều kiện cho người nông dân gắn bó với rừng.

Việc trồng mây nước dưới tán rừng đã góp phần chuyển đổi tư duy từ phát triển, sản xuất lâm nghiệp truyền thống sang phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Thời gian tới, ngành kiểm lâm sẽ tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chuyên môn mở rộng diện tích trồng cây mây nước cũng như trồng các loại cây dược liệu. Việc này sẽ giúp người dân khai thác hiệu quả kinh tế rừng một cách bền vững.