1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Phó giáo sư trấn an khi nhà tuyển dụng "tẩu hỏa nhập ma" vì nhân sự trẻ

Hoài Nam

(Dân trí) - Trước than phiền của nhà tuyển dụng về nhân sự gen Z, PGS.TS Nguyễn Đức Trung khuyến cáo, doanh nghiệp cần tránh tối đa những thiên kiến khi dùng người.

Đặc điểm của nhân sự trẻ, tình trạng sa thải trên thị trường lao động hay lời than phiền về gen Z... là những vấn đề được đặt ra tại buổi thông tin về ngày hội thực tập và việc làm lần thứ 15 năm 2023 do trường đại học Ngân hàng TPHCM tổ chức. 

Phó giáo sư trấn an khi nhà tuyển dụng tẩu hỏa nhập ma vì nhân sự trẻ - 1

Sinh viên tại ngày hội việc làm của trường đại học Ngân hàng TPHCM năm 2022 (Ảnh: T.L).

Ngày hội sẽ diễn ra ngày 14/5 tới, với hơn 140 gian hàng, dự kiến thu hút 20.000 lượt sinh viên các trường tại TPHCM và các tỉnh lân cận tham gia. Ngoài cung cấp, giới thiệu việc làm, chương trình cũng hướng đến việc giúp sinh viên tiếp cận với doanh nghiệp để hiểu rõ hơn về hoạt động của các ngành nghề, lĩnh vực cũng như tiếp tục định hướng rõ hơn về nghề nghiệp. 

Trước con số được công bố, 98% sinh viên trường này có việc làm khi ra trường dù bối cảnh khó khăn, câu hỏi được nhiều người đặt ra "có việc làm" cần được hiểu như thế nào, hay cứ đi làm nghĩa là "có việc", không cần gắn với hoạt động đào tạo? 

PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng trường đại học Ngân hàng TPHCM cho biết, việc khảo sát tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm dựa trên những yêu cầu, tiêu chí nhất định. 

Theo khảo sát của nhà trường, có trên 90% trong số sinh viên ra trường có việc làm, làm đúng ngành nghề được đào tạo. Kết quả này là do nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này hiện rất lớn, các ngân hàng, doanh nghiệp đều đang cần tìm người trong quá trình tái cơ cấu. Nhiều ngành nghề đào tạo không đáp ứng đủ về số lượng cho thị trường, một số ngành thực tế thiếu nhân lực trầm trọng như tài chính ngân hàng, logistics, quản lý AI...

Về vấn đề người lao động đang phải đối mặt với tình trạng đào thải, sa thải đang diễn ra khốc liệt trên thị trường lao động, PGS.TS Nguyễn Đức Trung phân tích, 2023 là năm đầu tiên cả nước chứng kiến hiện tượng số doanh nghiệp mới thành lập ít hơn doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động. 

Tuy nhiên, theo ông Trung, đào thải, sa thải là bình thường trong giai đoạn khó khăn, là tình trạng diễn ra ở nhiều nước trên thế giới hiện nay. Khó khăn này cũng là thử thách, là lần cọ sát để doanh nghiệp, nhân lực đều phải trưởng thành hơn. Thậm chí đối với người lao động, sa thải nếu có, nên đến càng sớm càng tốt để họ hiểu hơn về quy luật của thị trường, để có sự điều chỉnh phù hợp. 

Nhà tuyển dụng than phiền về nhân sự trẻ, thậm chí là "tẩu hỏa nhập ma" về lực lượng nhân sự thế hệ Gen Z cũng là vấn đề được đặt ra tại chương trình thực tập, tiếp cận việc làm.

PGS.TS Nguyễn Đức Trung chia sẻ, than phiền về nhân sự trẻ là một vấn đề lớn trên thị trường lao động. Điều này sẽ luôn xảy ra, như cha mẹ luôn nhìn con cái như trẻ con dù chúng đã trưởng thành.

Phó giáo sư trấn an khi nhà tuyển dụng tẩu hỏa nhập ma vì nhân sự trẻ - 2

PGS.TS Nguyễn Đức Trung (Ảnh: T.L).

Vị PGS kể câu chuyện vui về sự so sánh hay được nhắc đến, ông bố trách mắng con rằng bằng tuổi con, bố đã thế này thế kia, cậu nhóc đáp lại: "Bằng tuổi bố, người ta đã là... tổng thống". 

Nhắc lại câu chuyện này, vị Hiệu trưởng khuyến cáo, thực tế người đi trước luôn có những góc nhìn áp đặt lên người đi sau. Ông đã từng thấy nhiều người làm trong lĩnh vực ngân hàng than rằng sinh viên giờ ra trường chẳng nhớ quy định, quy chế nào đã được học trong khi với thế hệ trước, yêu cầu thuộc vanh vách từng điều khoản, nguyên tắc là... chuyện đương nhiên. 

PGS.TS Nguyễn Đức Trung cho rằng, với đánh giá đó những người tuyển dụng, sử dụng nhân sự đã vô tình áp đặt tiêu chí của mình lên thế hệ sau. Trong khi cách thức làm việc hiện đã có nhiều thay đổi, học hành giờ không đòi hỏi phải thuộc lòng nhiều vì đã có nhiều công cụ, kỹ năng để khai thác thông tin. 

Đồng tình với việc nhân sự trẻ cần có sự điều chỉnh để phù hợp với thị trường cạnh tranh khắc nghiệt nhưng ông Trung cho rằng, chính bản thân người sử dụng lao động cũng cần phải thích nghi với thị trường đổi mới. Nếu áp đặt các tiêu chí cứng nhắc, giữ cái nhìn thiên kiến, việc tuyển dụng sẽ rất khó khăn. 

"Để đi tìm nhân tài ngoài những tiêu chí phù hợp, nhà tuyển dụng cũng cần tránh tối đa thiên kiến cho rằng hình mẫu nào đó mới là chuẩn. Những áp đặt như vậy, đôi khi chính là nguyên nhân dẫn đến thất bại toàn tập khi doanh nghiệp sử dụng nhân sự", PGS.TS Nguyễn Đức Trung nhận định, thiên kiến có thể dẫn tới nguy cơ chọn sai người. 

Trước đó, trong chương trình ngày hội việc làm tại các cơ sở đào tạo, Hiệu trưởng nhiều trường đã cùng lên tiếng quanh vấn đề doanh nghiệp than phiền về nhân sự trẻ. 

Người đứng đầu các cơ sở đào tạo mong nhà tuyển dụng cảm thông cho những rụt rè, hạn chế ban đầu của sinh viên. Quá trình tiếp nhận, mong doanh nghiệp nghiêm khắc nhưng cũng tận tình, tạo môi trường, động viên khuyến khích và bồi dưỡng thêm nhân sự, bù đắp cho những thiếu sót vì hạn chế về kinh nghiệm thực tế.

Phó giáo sư trấn an khi nhà tuyển dụng tẩu hỏa nhập ma vì nhân sự trẻ - 3

Sinh viên tại TPHCM làm quen với quá trình tìm việc (Ảnh: Hoài Nam).

Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) Trần Tiến Khoa lưu ý, sinh viên ra trường thường mang tâm lý nóng vội. Những nhân sự trẻ như vậy cần hiểu, cống hiến cho doanh nghiệp không phải chuyện ngày một, ngày hai mà phải là một hành trình kiên định. 

Để làm được điều đó, các bạn trẻ nên có thái độ đúng đắn với vị trí công việc, có hoài bão với sự nghiệp cá nhân trước khi trở thành nhà quản trị. Sinh viên cũng cần thấu hiểu doanh nghiệp, tôn trọng người khác cùng tinh thần học hỏi từ những người xung quanh.