1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Sinh viên ra trường không cần làm thuê rồi mới... làm chủ!

Hoài Nam

(Dân trí) - Trong khi nhiều người khuyên sinh viên ra trường hãy đi làm thuê lấy kinh nghiệm trước khi khởi nghiệp, tiến sĩ Lê Trường Tùng lại cho rằng khởi nghiệp cần phải chớp ngay thời cơ...

Vượt qua 24 đội đến từ nhiều trường đại học, sản phẩm FMentor - một nền tảng mạng xã hội do nhóm sinh viên trường đại học FPT sáng lập giành giải cao nhất tại chung kết cuộc thi khởi nghiệp Entrepreneurial Hackathon Spring 2023 (Lập trình tạo ra các sản phẩm dành cho mục đích khởi nghiệp). 

Nền tảng xã hội FMentor hướng tới mục tiêu giúp sinh viên, nhân viên trẻ đang hoang mang trong quá trình học tập, việc làm, tương lai có thể được hỗ trợ, định hướng nghề nghiệp, các kỹ năng làm việc tốt hơn khi gia nhập thị trường lao động nhờ việc kết với nối với cựu sinh viên và các chuyên gia.

Sinh viên ra trường không cần làm thuê rồi mới... làm chủ! - 1

Nhóm tác giả nền tảng xã hội FMentor (Ảnh: Q.Đ).

Theo nhóm tác giả, kế hoạch tiếp thị cho năm đầu tiên khi sản phẩm vào thị trường là hướng đến nhóm khách hàng là sinh viên năm 3, 4 và người đi làm với 1 - 2 năm kinh nghiệm. Nền tảng này dự tính thu hút 14.000 mentee (người được hướng dẫn) và 1.400 mentor (người hướng dẫn), với mức doanh thu ước tính 42,6 tỷ đồng trong 2 năm. 

Nói về tinh thần khởi nghiệp tại chung kết cuộc thi, tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch hội đồng trường đại học FPT nhấn mạnh yếu tố mới, tạo ra được sự thay đổi lớn, đáp ứng được nhu cầu xã hội trên cơ sở cách thức tiếp cận mới với mỗi ý tưởng, dự án khởi nghiệp. 

Đánh giá trình độ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam còn ở mức thấp, tiến sĩ Lê Trường Tùng so sánh: "Nhìn sang các nước khác, tôi cực kỳ sốt ruột". 

Ông kể, khi sang Mỹ, đi ăn trưa với các bạn trẻ là sinh viên, nhân viên các công ty công nghệ, phần lớn nghe họ nói về khởi nghiệp, nói về bạn bè của mình hay các doanh nghiệp nho nhỏ vừa thu hút được vốn đầu tư, nói về việc sinh viên được mời vào các dự án/công ty công nghệ... Tiến sĩ Tùng nhận xét "bao trùm tất cả là bầu không khí khởi nghiệp". 

"Nhưng câu chuyện hàng ngày của sinh viên, nhân viên tại Việt Nam không phải như thế", ông Tùng khái quát. 

Theo TS Lê Trường Tùng, nhiều thứ 20 năm trước rất hoành tráng nhưng giờ đã biến mất, thay thế bởi những cái mới. Những cái mới là lựa chọn thay thế đó đều xuất phát từ khởi nghiệp.

"Đây là sứ mệnh của các bạn trẻ. Các bạn không khởi nghiệp thì ai sẽ khởi nghiệp? Xã hội trong 5 - 10 năm tới có rất nhiều công việc sẽ mất đi, nhiều công việc mới xuất hiện. Ai sẽ tạo dựng cái mới nếu không phải là các bạn trẻ?" - vị tiến sĩ đặt câu hỏi nhấn mạnh vai trò quan trọng của người trẻ trong khởi nghiệp. 

Trước lời khuyên "sinh viên ra trường nên đi làm thuê trước khi khởi nghiệp", tiến sĩ Lê Trường Tùng lập luận, khởi nghiệp không bao giờ là sớm và không bao giờ làm muộn. Nhưng trước sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ hiện nay, theo ông Tùng, khởi nghiệp phải càng sớm càng tốt. 

Ông Tùng nhắc đến những ví dụ thành công trên thế giới bỏ học khởi nghiệp, lý giải, việc nghỉ ngang đại học là để chớp thời cơ khởi nghiệp ngay. Vì thế, nói học xong đi làm thuê vài năm hay khởi nghiệp ngay, câu trả lời nằm ở việc nắm bắt thời điểm, cơ hội. 

"Thời gian từ công nghệ chuyển thành sản phẩm ra xã hội giờ đây rất nhanh. Nếu bạn có ý tưởng, cần phải chớp cơ hội thật nhanh, không thể chờ đợi", vị tiến sĩ nêu quan điểm. 

Người này cho rằng, nhiều vấn đề có thể học được ngay trong quá trình làm việc mà không nhất thiết phải đi làm lấy kinh nghiệm, xem người ta sản xuất thế nào, xem người ta marketing ra sao... Những điều này sẽ có người lo hết khi bạn có ý tưởng tốt. 

Tiến sĩ Lê Trường Tùng kỳ vọng khoảng 10% sinh viên ra trường sẽ không bằng lòng với việc làm việc cho các doanh nghiệp sẵn có. Thay vào đó, chính các em sẽ tạo ra công việc cho chính mình và cộng đồng. 

Sinh viên ra trường không cần làm thuê rồi mới... làm chủ! - 2

Sinh viên tại TPHCM giới thiệu về dự án khởi nghiệp (Ảnh: BKI).

Lý giải ở góc độ tâm lý xã hội, tiến sĩ Lê Trường Tùng cho rằng, chính văn hóa "chắc ăn", tâm lý ổn định, ít mạo hiểm kiểu như "thích vào nhà nước vì... ít bị đuổi việc" của người Việt hạn chế tinh thần khởi nghiệp. Nguyên tắc khởi nghiệp là chấp nhận mạo hiểm, chấp nhận làm những cái mới và chấp nhận khả năng thất bại... 

Các bạn trẻ có nhiều thế mạnh để mạo hiểm khi khởi nghiệp. Còn những người đã có sẵn công việc thì thường gặp nhiều rào cản, phải đánh đổi nhiều hơn nếu khởi nghiệp. Chính giới trẻ là những người chưa bị ràng buộc bởi các vấn đề này, thường mạnh mẽ, quyết đoán, mạo hiểm hơn, sẵn sàng "không được cái này thì thử cái khác"... 

Ông cũng băn khoăn về việc các cơ sở đào tạo chưa thật sự chú tâm đến vấn đề khởi nghiệp của sinh viên. Trước đây, đại học được định hướng là học để có bằng cấp, học một lần để dùng suốt đời, sau này thay đổi một chút thành học để có việc làm... Điều này vẫn khác hẳn với việc học để tạo việc làm!