1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

"Sống khỏe" dịp cận Tết với việc... ăn theo thương lái

Nguyễn Tú

(Dân trí) - "Tôi vốn là thợ xây. Cuối năm hết việc, tôi tranh thủ đi đào cây thuê. Đây là công việc vất vả nhưng chịu khó thì mỗi ngày kiếm được tiền triệu", một người nhân công ở vườn đào chia sẻ.

Chỉ còn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, thương lái ở khắp nơi đã tìm về các xã miền núi huyện Yên Thành, Nghệ An buôn đào kiếm lời. Sau khi mua bán xong, thương lái sẽ thuê người tại chỗ để tỉa cành, đào gốc… cho lên xe tải chuyển đi.

Từ tờ mờ sáng, có mặt tại vườn đào phai hàng trăm gốc của gia đình anh Nguyễn Văn Hải (trú ở xóm Ân Quang, xã Tây Thành), nhóm 6 người trong tổ đào cây thuê (gồm 3 nam, 3 nữ) đang tất bật với công việc của mình để kịp hàng như đã thỏa thuận với thương lái.

Sống khỏe dịp cận Tết với việc... ăn theo thương lái - 1

Một vườn đào phai ở xã Kim Thành đã được thương lái đặt mua.

Gạt những giọt mồ hôi lăn trên khuôn mặt, anh Nguyễn Trọng Huy (trú ở xã Quang Thành) cho biết, dịp này vì không có việc làm nên anh lập ra một nhóm thợ 6 người chuyên đi đào cây để kiếm tiền. Năm nào cũng vậy, vào dịp cận Tết là những người đào gốc cây thuê như anh làm không hết việc.

"Tôi vốn là thợ xây. Cuối năm, sau khi nghỉ việc, tôi tranh thủ đi đào cây thuê. Đây là công việc vất vả nhưng chịu khó thì mỗi ngày kiếm được tiền triệu", anh Huy tâm sự.

Sống khỏe dịp cận Tết với việc... ăn theo thương lái - 2

Một tổ đào cây thuê đang tất bật với công việc của mình.

Lần đầu nhập tổ đi làm, do chưa rành việc nên anh Phan Văn Lực (trú ở thôn Ân Tiên, xã Tây Thành) chỉ phụ bó và vận chuyển cây, còn công việc quan trọng là đào gốc thì phải người có kinh nghiệm hơn.

"Để hoàn thành đào và vận chuyển một cây lên xe tải sẽ được thương lái trả 50.000 đồng. Trung bình mỗi ngày sẽ hoàn thành được 15-20 cây/người, tiền công sẽ dao động từ 500.000 đến 1 triệu đồng", anh Lực chia sẻ thêm.

Sống khỏe dịp cận Tết với việc... ăn theo thương lái - 3

Những người đàn ông sẽ phụ trách việc đào gốc...

Theo kinh nghiệm của anh Huy, công việc này không dễ, thợ đào cây phải tỉ mỉ, kiên nhẫn bới từng lớp đất vì nếu không, bầu đất bị vỡ, cây sẽ chết. Đào xong, những người thợ sẽ lau sạch các vết thương trên rễ, sau đó thoa đều hỗn hợp keo kích thích cho cây. Bên cạnh đó, người thợ sẽ quyết định khoanh bầu đất to hoặc nhỏ, tùy thuộc vào năm tuổi của cây và độ cứng của đất.

Sống khỏe dịp cận Tết với việc... ăn theo thương lái - 4

Còn những phụ nữ sẽ đảm trách việc bó, vận chuyển cây.

Tại làng đào xã Kim Thành, huyện Yên Thành, nhiều thương lái đã về đặt hàng cách đây khoảng 10 ngày. Nhà ít thì 30-40 cây, nhà nhiều lên tới hàng nghìn cây.

Hối hả vận chuyển gốc đào lên chiếc xe tải, anh Nguyễn Cao Cường, trú tại thôn Trại Mắt, xã Kim Thành cho biết, để làm công việc này, nhóm thợ sắm các dụng cụ như cuốc, xẻng, xà beng… còn dây buộc và thuốc kích thích thì thương lái tự mua. Công việc này đòi hỏi phải có kinh nghiệm, nếu không dễ làm hỏng cây của chủ.

Sống khỏe dịp cận Tết với việc... ăn theo thương lái - 5

Cây khi đào xong sẽ được bốc lên xe tải.

Sống khỏe dịp cận Tết với việc... ăn theo thương lái - 6

Anh Nguyễn Cao Cường cho biết, trung bình làm cật lực sẽ đạt được 500.000 đồng đến một triệu đồng/ngày.

Theo những người đào gốc cây thuê ở huyện Yên Thành, dịp cận Tết, nhu cầu mua cây của các thương lái rất nhiều nên nghề đào gốc cây "sống khỏe".

Anh Hoàng Văn Hải - thương lái đến từ huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An cho biết, bình thường khi anh mua cả vườn đào mà cây giống nhau sẽ thuê 50.000 đồng/gốc.

Khi mua những cây đào cổ thụ có giá trị hàng chục triệu đồng, phải chọn nhóm thợ kinh nghiệm nhất nên số tiền phải trả cao gấp hơn nhiều lần. Riêng trường hợp thợ đào cây phải đi xa thì toàn bộ chi phí đi lại, ăn, ở sinh hoạt sẽ phải lo cho họ.

Sống khỏe dịp cận Tết với việc... ăn theo thương lái - 7

Đào được đưa lên xe tải để vận chuyện đi tiêu thụ.

Theo ông Cao Xuân Toản - Chủ tịch UBND xã Kim Thành, huyện Yên Thành, công việc đào cây thuê đã gắn bó với người lao động ở đây từ lâu. Vào dịp này, thương lái ở nhiều nơi tìm về mua đào nên đã tạo cơ hội cho người dân địa phương kiếm thêm thu nhập.

"Trung bình mỗi người sẽ bỏ túi 500.000 đến một triệu đồng/ngày. So với mức thu nhập với các công việc khác như bóc vỏ keo, thợ hồ… thì nghề này có nhiều tiền hơn. Tuy nhiên, công việc này đòi hỏi người lao động phải có sức khỏe và kinh nghiệm", ông Toản thông tin thêm.