1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thợ mộc "chạy sô" cả ngày lẫn đêm để kịp hàng Tết

Hờ Linh

(Dân trí) - Từ đầu tháng 12 Âm lịch đến những ngày cận Tết, anh Võ Văn Hiếu (37 tuổi), thợ mộc dân dụng, luôn tất bật công việc từ sáng sớm đến đêm khuya để kịp giao hàng Tết đúng hẹn cho khách.

Kinh nghiệm hơn 20 năm làm nghề mộc dân dụng, anh Hiếu chủ một xưởng mộc tại huyện Đại Lộc, Quảng Nam, cho biết trước Tết Nguyên đán 2024 khoảng 2 tháng đơn hàng của xưởng anh liên tục tăng nhanh. Trước Tết 1 tuần, xưởng đã không nhận đơn hàng mới vì sợ không kịp hoàn thiện để giao cho khách.

tho-moc_Xuan-Truong

Anh Võ Văn Hiếu tất bật làm việc liên tục từ sáng sớm đến đêm khuya để kịp giao hàng Tết đúng hẹn cho khách (Ảnh: Nguyễn Triệu).

Anh Hiếu cho biết, thời điểm này đang là cao điểm thời vụ nên ai nấy đều hối hả, tất bật, buổi trưa cũng chỉ nghỉ một chút rồi bắt tay vào làm ngay. 

"Đợt này xưởng tôi nhận khoảng 50 đơn đặt hàng, trong đó chủ yếu các mặt hàng như: bàn ghế tựa, tủ đứng, đồ thờ tự, các loại cửa", anh Hiếu nói.

Để đủ gỗ phục vụ dịp Tết, từ giữa năm 2023 xưởng của anh Hiếu đã nhập hàng chục khối gỗ về sơ chế thành từng tấm.

tho-mọc_Xuan-Truong-edited.jpeg

Xưởng mộc của anh Hiếu luôn trong tình trạng thiếu người làm nhưng việc tuyển người cũng khó khăn (Ảnh: Nguyễn Triệu).

Theo anh Hiếu, để hoàn thiện một bộ sản phẩm tốt phải mất hơn 1 tuần với nhiều công đoạn: xẻ gỗ, đóng ghép, chà nhám, sơn bóng… Tùy theo nhu cầu của khách hàng, anh Hiếu sẽ chọn loại gỗ phù hợp để gia công. Bình quân mỗi bộ bàn, ghế có giá trị từ 7 đến 10 triệu đồng.

Để kịp tiến độ sản phẩm cho khách hàng, mỗi ngày, anh phải làm việc từ 7h đến 23h. Thậm chí nhiều đêm anh và thợ trong xưởng phải làm việc đến gần sáng ngày hôm sau mới được nghỉ ngơi.

tho-moc_Xuan-Truong

Nghề mộc có thu nhập ổn định nhưng để theo nghề này ngoài năng khiếu đòi hỏi sự chịu khó, tỉ mỉ trong từng chi tiết (Ảnh: Nguyễn Triệu).

Nhằm mở rộng xưởng, anh Hiếu luôn đăng thông tin tuyển thợ nhưng không dễ để tìm được người phù hợp. 

"Nghề này không phải cứ nhiều việc là tuyển được thợ ngay đâu. Để theo nghề, người thợ cần phải được đào tạo rất lâu và trải qua quá trình tập luyện rất kỹ. Ngoài ra, người theo nghề này ngoài năng khiếu còn đòi hỏi sự chịu khó, tỉ mỉ trong từng chi tiết.

Nếu người thợ cẩu thả thì chỉ cần sai lệch tỉ lệ hay kích thước rất nhỏ sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, nhẹ nhất là làm mất đi độ bền của gỗ, lệch màu sơn, nặng nhất là phải bỏ đi làm lại", anh Hiếu nói thêm.

tho-moc_Xuan-Truong

Anh Đoàn Thanh Hùng đang cẩn thận chà nhám từng thanh gỗ để khi lắp ráp chuẩn từng chi tiết (Ảnh: Nguyễn Triệu).

Anh Đoàn Thanh Hùng (45 tuổi) thợ mộc làm việc tại xưởng mộc anh Hiếu cho biết, những ngày này để kịp hoàn thiện sản phẩm giao hàng trước Tết cho khách máy móc chạy liên tục. Từ thợ chính đến thợ phụ, tất cả đều hối hả làm việc từ sáng sớm đến đêm khuya.

"Nghề này cũng lắm khó khăn, nguy hiểm, tai nạn có thể ập đến bất cứ lúc nào. Nhiều lúc tôi cũng muốn từ bỏ lắm nhưng vì mưu sinh nên đành cố gắng bám trụ", anh Hùng trải lòng.

tho-moc_Xuan-Truong

Bình quân mỗi bộ bàn, ghế có giá trị từ 7 đến 10 triệu đồng (Ảnh: Nguyễn Triệu).

Sẵn sàng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động

Chia sẻ về dự định trong năm tới, anh Hiếu muốn mở rộng nhà xưởng, quy mô sản xuất, tuy nhiên khó khăn nhất là việc tìm kiếm thợ mộc có kỹ năng, tay nghề cao.

"Vấn đề tại đây không chỉ là đủ thợ hay không, mà là có đủ thợ có kỹ năng và tâm huyết hay không. Họ không chỉ là những thợ làm việc với gỗ, mà còn là những nghệ nhân tài năng, đánh bại thời gian để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật", anh Hiếu tâm niệm.

Anh Hiếu cho biết, không chỉ xưởng mộc của anh mà hầu hết các xưởng mộc thường xuyên tuyển người học nghề. Sau khi truyền nghề xong đều giữ lại làm thợ với mức thu nhập ổn định.

Nguyễn Triệu