1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Từ đôi bàn tay tê cóng phải bốc cơm ăn đến ông chủ doanh nghiệp thu tiền tỷ

Hoa Lê

(Dân trí) - Lao động Việt thừa nhận gặp không ít khó khăn, vất vả khi mưu sinh tại Hàn Quốc. Dù vậy, họ học thêm được nhiều kỹ năng, kinh nghiệp quý báu để trở về nước lập nghiệp và nhiều người đã thành công.

Khởi nghiệp với doanh thu hàng chục tỷ đồng

Sau khi kết thúc thời gian làm việc tại Hàn Quốc, anh Vũ Văn Giáp trở về Việt Nam để bắt đầu khởi nghiệp. 5 năm trước, anh đến Bắc Ninh tìm hiểu các mô hình kinh doanh và thành lập Công ty TNHH sản xuất thương mại và dịch vụ CLC Việt Nam.

Công ty chuyên sản xuất chi tiết máy, chế tạo máy tự động hóa, tạo thu nhập ổn định cho 50 nhân viên, có doanh thu trung bình 15 tỷ đồng/năm.

Để gặt hái được những "trái ngọt" hôm nay, "ông chủ" 8X đã trải qua quãng thời gian đầy gian khó, nỗ lực không ngừng nghỉ, vượt qua những khó khăn, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm cho bản thân.

Sinh ra ở vùng quê của tỉnh Nghệ An, những đứa trẻ như anh Giáp luôn ấp ủ ước mơ sau này lớn lên được đi lao động ở nước ngoài để tìm cơ hội mới, giúp cuộc sống vơi bớt khó khăn.

Đam mê sáng chế từ nhỏ, lớn lên, anh theo học tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc. Môi trường này giúp anh có cơ hội tiếp xúc với người Hàn Quốc và cập nhật nhanh những thông tin về thị trường lao động ở đất nước này.

Từ đôi bàn tay tê cóng phải bốc cơm ăn đến ông chủ doanh nghiệp thu tiền tỷ - 1

Anh Vũ Văn Giáp (Ảnh: Hoa Lê).

"Thời điểm đó, ở trong nước chưa có nhiều điều kiện phát triển về lĩnh vực này, trong khi Hàn Quốc là đất nước đã có nền công nghiệp tân tiến. Vì vậy, tôi quyết tâm sang đây làm việc để học hỏi thêm kiến thức, kỹ năng. Và khi đã sang được Hàn Quốc, thực tế đều giống như tôi suy nghĩ", anh Giáp chia sẻ.

Sau quá trình học tập, rèn luyện, năm 2007, chàng trai 22 tuổi chính thức sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS (lao động ngoài nước được cấp phép làm việc tại Hàn Quốc) trong ngành ngư nghiệp - đánh bắt và chế biến bạch tuộc tại đảo Jeju.

Khi mới đến đất nước xa lạ, khác biệt về môi trường, văn hóa, không có người thân bên cạnh, anh Giáp cũng gặp những khó khăn nhất định. Điều này không làm anh nản chí, mà càng quyết tâm vượt qua nghịch cảnh để kiếm tiền gửi về gia đình.

Những tháng này làm ngư nghiệp, khi thời tiết lạnh giá, chân tay buốt cóng đến mức không thể cầm đũa ăn cơm. Không còn cách nào khác, những lao động như anh chỉ còn cách dùng tay bốc cơm.

"Đi biển trời mưa, chiếc thuyền chỉ che chắn được không gian nhỏ. Đang ăn cơm cũng bị mưa rơi vào trong bát. Ai nấy đều phải cố gắng ăn để lấy sức làm việc", anh Giáp nhớ lại.

Hết 1 năm, anh trở vào đất liền làm nhân viên bảo trì máy móc cho xưởng sản xuất tại Hàn Quốc. Chạm vào đam mê từ nhỏ của mình, anh đã chăm chỉ làm việc, học hỏi, không ngừng sáng tạo.

Anh Giáp còn tự chế tạo được máy móc hỗ trợ để giảm sức lao động cho công nhân của công ty, đồng thời, tích cực học cách quản lý và học tiếng Hàn để có thể giao tiếp tốt.

Nhờ đức tính cần cù, chịu khó, anh Giáp đã được ông bà chủ của xưởng sản xuất ưu ái và nhận anh làm con nuôi.

Nhìn lại quá trình 5 năm làm việc tại "xứ sở hoa anh đào", anh Giáp phải thừa nhận đây là quá trình khó khăn, vất vả, nhưng mang lại cho anh không ít kỷ niệm, giá trị quý báu để sau này về nước lập nghiệp.

Câu chuyện khởi nghiệp của anh Giáp đã đạt giải Nhất trong Cuộc thi "Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc cùng lao động EPS về nước khởi nghiệp", có 15 quốc gia phái cử tham gia. Vừa qua, anh đã được mời sang Hàn Quốc để gặp Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc và được biểu dương tại đây.

Từ bỏ nhân viên điện với mức lương hơn 1 triệu đồng/tháng

Sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng, anh Nguyễn Văn Dũng (Bá Thước, Thanh Hóa) xin vào làm nhân viên trong ngành điện lực ở tỉnh Quảng Ninh.

Bấy giờ, thu nhập của anh vỏn vẹn hơn 1 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, anh thầm nghĩ không biết đến bao giờ mới có cơ hội đổi đời.

Biết được mong muốn đi làm việc nước ngoài luôn ấp ủ của anh, chính những người bạn đã giúp anh tiếp cận đến chương trình EPS. Để đủ điều kiện sang Hàn Quốc làm việc, ban ngày anh đi làm, tối về học thêm tiếng Hàn.

"Là người ở mốc số 0 về ngoại ngữ, song tôi cũng không gặp bất kỳ trở ngại nào trong việc chinh phục tiếng Hàn", anh Dũng nói.

Anh lựa chọn cho mình phương pháp học tập trung trong không gian yên tĩnh nhất vào buổi tối. Tinh thần quyết tâm đi làm việc ở Hàn Quốc lên cao, anh miệt mài học tập.

Năm 2011, anh đã trúng tuyển và sang Hàn Quốc làm việc ở ngành sản xuất chế tạo, sản xuất ngói. Đây là công việc khá nhàn hạ và cho thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng.

Từ đôi bàn tay tê cóng phải bốc cơm ăn đến ông chủ doanh nghiệp thu tiền tỷ - 2

Lớp học tiếng Hàn Quốc tại trung tâm của anh Dũng ở quê nhà (Ảnh: NVCC).

Sau 5 năm làm việc, mong muốn lớn nhất của anh có thể đưa công nghệ sản xuất ngói Nhật Bản về ứng dụng tại Việt Nam. Song, để thực hiện điều này cần số vốn rất lớn, nên anh đành từ bỏ.

Đọng lại trong anh Dũng là tác phong làm việc, hiểu biết văn hóa, đặc biệt thuần thục tiếng Hàn. Anh mang thế mạnh này về mở trung tâm đào tạo tiếng Hàn tại quê nhà.

Với một vùng quê nghèo khó, muốn vận hành trung tâm ngoại ngữ không hề dễ dàng với anh. Song cùng sự quyết tâm, không nản lòng, từ 4 học viên lúc ban đầu, hiện trung tâm của anh đã có hơn 200 người.

Tích lũy được hơn 1 tỷ đồng, anh sử dụng một nửa số tiền đầu tư cơ sở vật chất. Ngoài anh, trung tâm cũng thu hút được thêm 3 cộng sự đào tạo về tiếng Hàn.

Theo anh Dũng, mỗi bạn trẻ cần biết trân quý thời gian, đặc biệt khi có điều kiện làm việc tại nước ngoài cần phải tích lũy kiến thức, kỹ năng. Có như vậy, khi về nước dễ dàng bắt nhịp trở lại và phát huy những thế mạnh đã tích lũy được.