1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Vẫn nóng chuyện “nới” tuổi lao động của nữ

(Dân trí) - Nhiều chuyên gia cho rằng, việc“cào bằng” tuổi nghỉ hưu của lao động nữ đã lỗi thời và cần sớm thay đổi. Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại những thay đổi về nhóm tuổi nghỉ hưu của nữ có thể dẫn đến phân biệt đối xử hoặc tác động đến chính sách xã hội.

 Tại Việt Nam, quy định về tuổi hưu nữ là 55 tuổi, nam là 60 tuổi (trong điều kiện làm việc bình thường) đã được thực thi hơn 60 năm qua.

Trong Hội thảo chính sách tiền lương tối thiểu - kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ - TB &XH) phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vừa tổ chức, các chuyên gia trong nước và quốc tế lại một lần nữa bàn đến vấn đề quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nữ, đặc biệt là nhóm lao động cao tuổi, lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao .

Theo khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH, tại Việt Nam, lao động nữ và nam làm cùng công việc nhưng lao động nữ được trả lương ít hơn. Ở lao động lớn tuổi, nam vẫn được đề bạt, tăng lương cao hơn nữ. Một thực tế nữa, sau khi nghỉ hưu, có đến hơn 60% lao động nữ vẫn tiếp tục làm việc để kiếm thêm thu nhập. Điều này cho thấy nhu cầu lao động để cải thiện thu nhập của lao động nữ rất cao nhưng điều kiện xã hội đã không cho phép họ thực hiện mong muốn này.

Theo bà Nelien Haspels, chuyên gia cao cấp về giới và các vấn đề lao động nữ của Văn phòng Tiểu khu vực Đông Á – Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Bangkok, việc khống chế tuổi nghỉ hưu của nữ giới trước đây nhằm bảo vệ phụ nữ lớn tuổi và ghi nhận khối lượng công việc của phụ nữ ở nơi làm việc và ở nhà. Tuy nhiên, biện pháp này ngày nay được cho là lỗi thời, ở góc độ nào đó đã ảnh hưởng đến thu nhập của phụ nữ.

Vẫn nóng chuyện “nới” tuổi lao động của nữ - 1

Nhiều kiến nghị cho rằng không nên "cào bằng" tuổi nghỉ hưu của lao động nữ. (Ảnh minh họa)

Bình luận về qui định lao động nữ trong dự thảo Bộ luật lao động (BLLĐ) sửa đổi, chuyên gia đại diện trường ĐH Luật Hà Nội cho rằng, cần có những luận cứ thuyết phục về mặt khoa học và thực tiễn để minh chứng cho sự cần thiết và tính khả thi của việc đưa ra những qui định mới; cơ sở khoa học (kinh tế, y học, xã hội…) cho việc điều chỉnh qui định pháp luật.
 
Ví dụ việc tăng tuổi nghỉ hưu dựa trên sự đánh giá đầy đủ về yếu tố y học, tâm, sinh lý chưa? Đánh giá tác động của qui định pháp luật một cách thực chất với đời sống kinh tế, xã hội; lao động, việc làm; quyền và nghĩa vụ chủ thể; khả năng thực thi qui định trong thực tế?

Chuyên gia lo ngại, nếu không có những khảo sát kỹ càng, những thay đổi về từng nhóm tuổi nghỉ hưu của lao động nữ có thể dẫn đến phân biệt đối xử với chính nhóm đối tượng lao động này. Cùng đó, cũng cần quan tâm đến khía cạnh việc tăng tuổi nghỉ hưu có ảnh hưởng tới BHXH hoặc chính sách việc làm, lao động ra sao. Dó đó, đối với nhóm lao động cao tuổi, lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao bên cạnh các qui định chung, BLLĐ cần có những qui định riêng phù hợp với từng loại đối tượng này.

Một số chuyên gia ngành lao động cũng đưa ra nhận xét, lao động cao tuổi, lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao có vẻ như không phải là vấn đề “nóng” của pháp luật cũng như trong đời sống xã hội.
 
Tuy nhiên, cần thấy rằng đây là lực lượng lao động mặc dù không phải là số đông, nhưng có những ảnh hưởng nhất định về kinh tế - xã hội và khác với tất cả đối tượng lao động khác là với họ, tham gia quan hệ lao động không phải thuần túy là vấn đề công ăn, việc làm mà là nhu cầu được cống hiến, được tôn trọng. Tất cả những điều đó cho thấy qui phạm pháp luật điều chỉnh đối với họ phải có những “đặc thù” so với đối tượng lao động nói chung do BLLĐ điều chỉnh.

Về vấn đền này, Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động VN) đưa ra kiến nghị cụ thể:  Tại khu vực hành chính sự nghiệp, nhóm nghiên cứu đề xuất nên quy định thống nhất tuổi nghỉ hưu của lao động nữ khu vực hành chính là 58 tuổi (tăng 3 tuổi so với quy định hiện hành). Ngoài ra, lao động nữ nghỉ hưu ở độ tuổi 50 – 55 khi có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, công việc đặc thù theo danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, đặc thù do cơ quan chức năng quy định.

Đối với khu vực sản xuất kinh doanh có 3 nhóm. Thứ nhất, lao động nữ nghỉ hưu ở độ tuổi 55 như quy định hiện hành bao gồm lao động nữ làm việc trong môi trường và điều kiện làm việc bình thường; Thứ hai, tuổi nghỉ hưu từ 50-55 tuổi cho lao động nữ có đủ 15 năm làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (theo danh mục do Bộ LĐTB&XH và Bộ Y tế ban hành).

P. Thanh