1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi:

Vụ 200ha "cây làm giàu" bị chặt bỏ: Một doanh nghiệp đầu tư gần 1.000 tỷ

Thanh Tùng

(Dân trí) - Bí thư Huyện Cẩm Thủy khẳng định: "Một doanh nghiệp đã bỏ ra gần 1.000 tỷ đồng để đầu tư cây gai xanh, do vậy, không có chuyện đầu tư xong lại không quan tâm đến vùng nguyên liệu của mình".

Đây cũng là mô hình góp phần thực hiện Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Phát biểu thảo luận tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, diễn ra chiều 13/12, ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Thanh Hóa, thị trường dệt may thế giới suy thoái đã ảnh hưởng đến việc trồng và mua bán cây gai xanh trên địa bàn thời gian qua.

Để gỡ khó cho người dân, từ tháng 11/2022, Sở NN&PTNT đã làm việc với doanh nghiệp và 18 huyện vùng nguyên liệu để bàn giải pháp phát triển cho cây gai xanh.

Vụ 200ha cây làm giàu bị chặt bỏ: Một doanh nghiệp đầu tư gần 1.000 tỷ - 1

Do cây gai xanh không hiệu quả, nhiều người dân chặt bỏ (Ảnh: Hạnh Linh).

Trong đó, tập trung vào các vấn đề không mở rộng diện tích, ổn định thị trường, tập trung thâm canh, đề nghị doanh nghiệp thanh toán nợ tiền nguyên liệu...

Đến nay, doanh nghiệp đã thanh toán hết nợ cho người trồng cây gai xanh, có văn bản gửi đến Sở NN&PTNT và các huyện về việc thông báo tái cấu trúc sản xuất. Hiện, doanh nghiệp tiếp tục thu mua và đề xuất mở rộng vùng nguyên liệu năm 2024.

Trước những trao đổi của ông Cường, ông Lê Văn Trung, Bí thư Huyện ủy Cẩm Thủy bày tỏ nhiều trăn trở về thực trạng cây gai xanh trên địa bàn.

Theo ông Trung, huyện Cẩm Thủy là địa phương có diện tích cây gai xanh nhiều nhất tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều người dân bỏ trồng cây gai xanh.

Vụ 200ha cây làm giàu bị chặt bỏ: Một doanh nghiệp đầu tư gần 1.000 tỷ - 2

Ông Lê Văn Trung - Bí thư Huyện ủy Cẩm Thủy thảo luận tại phiên họp (Ảnh: Thanh Tùng).

Theo ông Trung, nguyên nhân do việc xuất khẩu vào cuối năm 2022 gặp nhiều khó khăn, quá trình thu mua sản phẩm ngưng trệ nên việc sản xuất cây gai xanh trên địa bàn cũng bị chậm. Tuy nhiên, mới đây doanh nghiệp sản xuất sợi đã thực hiện việc trả tiền cho người dân, đồng thời cam kết giá cây gai xanh không có gì thay đổi.

"Người dân khi thấy một số hộ gia đình trồng loại cây khác có thu nhập cao hơn nên đã phá bỏ cây gai xanh để thay đổi cây trồng. Điều này dẫn đến hậu quả rất lớn, khi muốn quay lại cây gai xanh phải mất thêm một lần tiền để đầu tư giống mà không quan tâm đến việc chăm sóc, giữ diện tích. Trong khi nhà máy cam kết tiếp tục thu mua", ông Trung lý giải.

Vụ 200ha cây làm giàu bị chặt bỏ: Một doanh nghiệp đầu tư gần 1.000 tỷ - 3

Người dân huyện Cẩm Thủy lo lắng vì cây gai xanh ế ẩm thời gian qua (Ảnh: Hạnh Linh).

Trước thực trạng trên, ông Trung mong muốn các địa phương trong vùng nguyên liệu cần tiếp tục sản xuất cây gai xanh.

"Một doanh nghiệp đã bỏ ra gần 1.000 tỷ đồng để đầu tư cây gai xanh, do vậy, không có chuyện đầu tư xong lại không quan tâm đến vùng nguyên liệu của mình. Cây gai xanh chỉ bị tác động nhất thời trong giai đoạn hiện nay. Rất mong những người trồng cây gai xanh giữ diện tích để tiếp tục phát triển", ông Trung nói.

Trước đó, như báo Dân trí đã có loạt bài phản ánh về việc nhiều hộ dân tại huyện Lang Chánh tham gia đề án trồng cây gai xanh nhưng không hiệu quả khiến người trồng "vỡ mộng" với "cây làm giàu" nên chặt bỏ.

Còn tại huyện Cẩm Thủy có tình trạng doanh nghiệp chậm trả tiền và ngừng thu mua sản phẩm một thời gian khiến người dân lo lắng.

Gai xanh là cây công nghiệp đa tác dụng, nhưng sản phẩm chủ yếu là vỏ. Vỏ cây gai xanh được dùng làm nguyên liệu dệt những loại vải cao cấp. Lá của cây gai xanh được dùng để làm bánh gai, thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy cầm, nuôi trồng thủy sản. Lõi cây gai có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất giấy, giá để trồng nấm, phân bón hữu cơ.

Ngày 24/4/2018 UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát triển vùng nguyên cây liệu gai xanh phục vụ nhà máy sản xuất sợi dệt tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Đề án được thực hiện ở địa bàn 12 huyện: Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thọ Xuân, Như Xuân, Thường Xuân, Lang Chánh, Quan Sơn, Triệu Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Hà Trung và Hoằng Hóa.

Mục tiêu của đề án đến năm 2020 phát triển vùng nguyên liệu gai xanh với diện tích 3.000ha. Giai đoạn 2021-2025 mở rộng thêm diện tích 3.457ha, nâng tổng diện tích đất trồng cây gai xanh nguyên liệu đến năm 2025 là hơn 6.400ha. Định hướng năm 2030, tổng diện tích gai nguyên liệu ổn định hơn 6.400ha.

Ngày 1/10/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ban hành quyết định mở rộng phạm vi đề án thêm 6 huyện, gồm: Yên Định, Thạch Thành, Hậu Lộc, Nông Cống, Như Thanh, Mường Lát.

Phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, từ đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Mục tiêu là vậy nhưng theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thuộc Sở NN&PTNT Thanh Hóa, đến nay, tổng diện tích cây gai xanh trên địa bàn tỉnh này mới hơn 930ha tại 18 huyện. Trong đó, tập trung nhiều nhất là huyện Cẩm Thủy hơn 413ha, Thạch Thành 108,9ha, Bá Thước hơn 91ha...

Đã có hơn 200ha cây gai xanh tại các địa phương bị người dân phá bỏ, chuyển đổi sang cây trồng khác.