Xuất khẩu lao động tại các huyện nghèo: Khó chồng thêm khó

Được miễn phí toàn bộ chi phí học nghề, học ngoại ngữ, ăn ở, đi lại và giáo dục định hướng, cùng với đó là việc hỗ trợ vay vốn với lãi xuất thấp trước khi đi làm việc ở nước ngoài, thế nhưng sau 5 năm thực hiện Đề án "Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động (XKLĐ) góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020" (Đề án 71) đã không đạt mục tiêu.

Điều đáng nói là ở nhiều huyện, tình trạng người dân đã tham gia học chuẩn bị xuất cảnh lại bỏ giữa chừng, gây lãng phí lớn. Nhiều doanh nghiệp XKLĐ tham gia tuyển chọn lao động cũng "tháo chạy", chủ trương giúp đồng bào thoát nghèo nhờ XKLĐ vì thế mà kém hiệu quả.
Đào tạo nghề cho lao động xuất khẩu tại tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Sơn Tùng
Đào tạo nghề cho lao động xuất khẩu tại tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Sơn Tùng

Kết quả không như mong đợi

Cách đây 5 năm, Đề án 71 như chiếc "chìa khóa" để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho NLĐ các huyện nghèo. Theo đó, NLĐ thuộc 62 huyện nghèo trong cả nước được vay vốn lãi suất thấp và được miễn phí đào tạo nghề, học ngoại ngữ, đi lại và ăn ở. Đề án 71 đặt mục tiêu đưa thí điểm 5.000 lao động các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2009-2010; 50.000 người trong giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, thực tế triển khai lại không như mục tiêu đặt ra mà rào cản chủ yếu lại đến từ chính NLĐ.
Báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), đến nay chỉ có hơn 9.000 lao động tại các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp đã lặn lội về các vùng miền núi xa xôi để tư vấn, tuyên truyền, vận động NLĐ đi XKLĐ. Những tưởng khi có nhiều ưu tiên thì NLĐ sẽ ào ào đăng ký, nhưng kết quả hoàn toàn ngược lại mà chủ yếu do NLĐ có tâm lý e ngại và thiếu quyết đoán.
Nhiều người khi được tư vấn đã rất háo hức đăng ký học nghề, học ngoại ngữ, hoàn thành thủ tục vay vốn, thủ tục hành chính và chỉ chờ xuất cảnh thì chồng hoặc vợ không đồng ý cho đi nên mọi việc dang dở. Vậy là khó khăn lại đẩy về phía chính quyền địa phương, đặc biệt là doanh nghiệp vì đã mất nhiều thời gian và tiền bạc để tư vấn cho NLĐ. Đặc biệt, có nhiều trường hợp như gia đình bà Hà Thị Vinh ở huyện Tân Sơn (Phú Thọ) đã đăng ký cho con đi làm việc ở Đài Loan với chi phí là 95 triệu đồng. Tuy nhiên, tiêu chuẩn gia đình chỉ được vay Ngân hàng Chính sách 65 triệu đồng và vì không thể lo được chi phí 30 triệu nên đành ngậm ngùi bỏ cuộc.

Ngoài những lý do khách quan nêu trên, tâm lý dò xét, nghe ngóng cũng cản trở công tác tuyển dụng lao động của doanh nghiệp XKLĐ. Có địa phương khi mở lớp định hướng tuyên truyền thì có 100 NLĐ đến, nhưng cuối đợt chốt lại chỉ còn 10-20 trường hợp. Nguyên nhân là trước đó có một số công ty đã lừa đảo hoặc doanh nghiệp khác tung tin không hay về chương trình XKLĐ gây hoang mang cho NLĐ. Một số người lại e ngại những rủi ro có thể xảy ra khi đi làm việc ở nước ngoài đã không cho người thân tham gia các chương trình tư vấn.

Cần chiến lược dài hạn

Với những bất cập trên, hành trình tuyển dụng người đi XKLĐ có thể nói là vô cùng gian nan. Theo khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH, khó khăn đặc thù của NLĐ thuộc 62 huyện nghèo là điều kiện kinh tế và trình độ văn hóa thấp (60% có trình độ tiểu học trở xuống). Từ khi bắt đầu Đề án 71 đã có 33 doanh nghiệp đăng ký tham gia với hơn 300 hợp đồng cung ứng lao động. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại số đơn vị trụ lại chỉ đếm trên đầu ngón tay và nếu thời gian tới không có điều chỉnh thích hợp thì sẽ không còn doanh nghiệp nào mặn mà.

Trong số các đơn vị tham gia Đề án 71 Công ty Đào tạo nghề và xuất nhập khẩu lao động Bộ Quốc phòng, được đánh giá là đơn vị tuyển dụng được số lượng lao động "khủng" với gần 1.000 người đi làm việc, chủ yếu là tại thị trường Malaysia. Để đạt được thành quả trên, công ty đã nỗ lực vận động, kiên trì bền bỉ thuyết phục NLĐ. Song, lãnh đạo đơn vị này cũng thừa nhận đoạn trường phía trước vẫn còn nhiều gian nan khi tâm lý NLĐ thường xuyên thay đổi.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, Bộ LĐ-TB&XH đã có nhiều giải pháp đồng bộ trong đó lựa chọn kỹ hơn và công khai tên các doanh nghiệp được phép đưa người đi XKLĐ. Về việc đào tạo nghề và dạy ngoại ngữ, Bộ cũng chú trọng để chất lượng tay nghề và khả năng giao tiếp của NLĐ tốt hơn.
Về phía chính quyền địa phương, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề nghị cần sát cánh với NLĐ, vận động người dân bằng những hành động cụ thể, định hướng và giúp họ khi trở về nước sớm trả nợ vốn đã vay. Với những NLĐ bị trả về trước thời hạn do sai phạm, các địa phương cần tạo cơ hội việc làm để họ có thể sớm hoàn vốn vay cho ngân hàng cũng như các nghĩa vụ với doanh nghiệp.
Theo Kim Vũ/Báo Hà Nội Mới