Việt Nam là quốc gia đầu tiên có báo cáo về quản lý rủi ro thiên tai

(Dân trí) - Chính phủ vừa công bố báo cáo đặc biệt về Quản lý rủi ro thiên tai và hiện tượng cực đoan nhằm thúc đẩy thích ứng với Biến đổi khí hậu (SREX Việt Nam). Với báo cáo này Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng báo cáo SREX cho mình.

Ngày 22/1, Chính phủ vừa chính thức ra mặt Hội đồng tư vấn của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu. Hội đồng này tập hợp các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam về các lĩnh vực đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà là Chủ tịch VPCC. Ngoài ra còn có 2 Phó Chủ tịch và 20 thành viên.

Nhằm đáp ứng mục tiêu trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại, Việt Nam cần có những chính sách hiệu quả. Theo đó VPCC sẽ  đóng vai trò tư vấn cho Chính phủ và Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu các chính sách và cơ sở khoa học nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; các định hướng kết quả nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KHCN; đề xuất các hoạt động, chương trình nghiên cứu khoa học, thử nghiệm công nghệ, giải pháp ứng phó với BĐKH phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH Việt Nam...

Việt Nam là quốc gia đầu tiên có báo cáo về quản lý rủi ro thiên tai

Cùng đó, báo cáo đặc biệt của Việt Nam về Quản lý rủi ro thiên tai và hiện tượng cực đoan nhằm thúc đẩy thích ứng với Biến đổi khí hậu (SREX Việt Nam) cũng được công bố. Với báo cáo này Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng báo cáo SREX cho mình

Báo cáo SREX Việt Nam được xây dựng dựa trên những phân tích khoa học có sự hợp tác lớn đầu tiên về biến đổi khí hậu của hơn 40 nhà khoa học đến từ 20 cơ quan nghiên cứu củaViệt Nam. Báo cáo này cung cấp những thông tin rất quan trọng hỗ trợ Chính phủ  xác định và tập trung đầu tư cho các kế hoạch và biện pháp cấp bách không thể trì hoãn trong phòng tránh thiên tai và thích ứng với các tác động ngày càng mạnh mẽ  của biến đổi khí hậu.

GS.TS. Trần Thục, Phó Chủ tịch VPCC, đồng tác giả Báo cáo SREX Việt Nam cho biết, Báo cáo phân tích và đánh giá các hiện tượng cực đoan, tác động của chúng đến môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội và phát triển bền vững của Việt Nam...

Theo thống kê, trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình hàng năm của Việt Nam đã tăng từ 0,5 đến 0,7 độ C. Cũng trong giai đoạn này, mực nước biển dâng cao khoảng 20cm. Hàng năm, thiệt hại do thiên tai gây ra tại Việt Nam tương đương 1,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Theo dự báo, đến năm 2100 Việt Nam sẽ mất khoảng 10% GDP do hậu quả BĐKH. Các tác động của BĐKH cũng sẽ ảnh hưởng tới hơn 12% diện tích đất nông nghiệp và khoảng 25% dân số của Việt Nam.

Phạm Thanh