Xử lý ô nhiễm môi trường do hóa chất tồn lưu: Cần đồng bộ và đúng cách

Theo các chuyên gia quốc tế, để xử lý và phục hồi ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) tồn lưu hiệu quả cần thực hiện đồng bộ và đúng cách.

Nước ta hiện còn tồn lưu một lượng lớn hóa chất BVTV nhóm POP nằm rải rác tại nhiều địa phương gây ô nhiễm môi trường. Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm loại bỏ, tuy nhiên, theo các chuyên gia quốc tế, để xử lý và phục hồi ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu hiệu quả cần thực hiện đồng bộ và đúng cách.
 
Xử lý ô nhiễm môi trường do hóa chất tồn lưu: Cần đồng bộ và đúng cách
Chuyên gia quốc tế hướng dẫn cách xử lý và phục hồi ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) tồn lưu hiệu quả.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), hiện nay Việt Nam có hơn 1.153 điểm ô nhiễm do hóa chất POP tồn lưu. Các điểm này được phân theo mức độ ô nhiễm khác nhau bao gồm: ô nhiễm, ô nhiễm nghiêm trọng và ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng. Trong khi đó, phần lớn hóa chất BVTV tồn lưu nằm dưới đất do bị người dân chôn lấp trước đây khiến cho thách thức khôi phục cũng như cải thiện môi trường tại những điểm này đang gặp không ít khó khăn. Những hạn chế về năng lực, kỹ thuật, phương pháp, quy trình thực hiện cũng như tính tương tác giữa các ban, ngành liên quan chưa cao cũng khiến cho việc xử lý, cải tạo và phục hồi các điểm ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu chưa mang lại hiệu quả mong muốn.

Trước thực trạng này, với sự hỗ trợ của GEF/UNDP và FAO, Dự án “Xây dựng năng lực nhằm loại bỏ hóa chất BVTV tồn lưu POP tại Việt Nam” đang từng bước thực hiện tốt hoạt động cô lập, xử lý và phục hồi các điểm ô nhiễm hóa chất BVTV tồn lưu.

Ông Hoàng Thành Vĩnh – Quản đốc Dự án cho biết: “Chúng tôi đã hoàn thành xử lý hơn 25 tấn hóa chất BVTV POP tồn lưu tại điểm ô nhiễm môi trường thuộc khu vực Núi Căng tỉnh Thái Nguyên. Việc cô lập, xử lý và phục hồi điểm ô nhiễm do hóa chất BVTV tồn lưu theo Dự án được tuân thủ theo yêu cầu nghiêm ngặt của FAO.

Sau khi phân tách thành hai phần hóa chất nguyên phẩm, đất nhiễm nặng và phần đất nhiễm nhẹ hơn, chúng tôi tiến hành xử lý triệt để phần nguyên phẩm và đất nhiễm đậm đặc bằng phương pháp đốt trong lò nung xi măng tại Nhà máy xi măng Holcim – Kiên Giang. Phần đất nhiễm nhẹ hơn được xử lý bằng công nghệ sinh học kết hợp với vi sinh, đồng thời cô lập triệt để, lâu dài trong các bể bê tông nhằm ngăn ngừa sự phát tán ô nhiễm ra ngoài môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng”.
 
Xử lý ô nhiễm môi trường do hóa chất tồn lưu: Cần đồng bộ và đúng cách

Trước nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng của các hóa chất BVTV tồn lưu đối với sức khỏe con người và môi trường, Dự án GEF/UNDP - “Xây dựng năng lực nhằm loại bỏ hóa chất BVTV POP tồn lưu tại Việt Nam” với những mục tiêu cụ thể và các hướng dẫn kỹ thuật chi tiết đã đưa ra giải pháp mới cho việc xử lý hóa chất BVTV POP tồn lưu nhằm đảm bảo tốt nhất các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn, kỹ thuật đồng thời rút ngắn thời gian cũng như phạm vi xử lý.

Dự án đã hỗ trợ xây dựng và thực hiện một kế hoạch giám sát để đảm bảo tuân theo tiêu chuẩn quốc tế trong từng giai đoạn của quá trình tiêu huỷ hóa chất BVTV tồn lưu tại Việt Nam. Từ kết quả khả quan của việc đốt HCBVTV hết hạn bằng công nghệ của nhà máy xi măng Holcim ở khu vực phía Nam năm 2003, cho thấy, đây là công nghệ phù hợp cho tiêu huỷ hoá chất bảo vệ thực vật POP tồn lưu tại Việt Nam.

Ông Đào Xuân Lai – Trưởng phòng phát triển bền vững – Tổ chức UNDP nhận định: Công nghệ đốt hóa chất BVTV POP tồn lưu tại Nhà máy xi măng Holcim là công nghệ hiện đại, được cấp phép và được nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá cao. Việc xử lý hóa chất BVTV khó phân hủy tồn lưu bằng công nghệ này không những giúp chúng ta hạn chế về kinh phí mà còn là cơ sở công nghệ vững chắc, hiệu quả trong quá trình xử lý ô nhiễm hóa chất BVTV nhằm cải tạo, phục hồi môi trường.

“Tuy nhiên, đối với khối lượng đất nhiễm hoá chất BVTV lớn như hiện nay, sử dụng công nghệ đốt này cần chi phí rất lớn. Vì vậy nên xem xét áp dụng các giải pháp thay thế khác như công nghệ nghiền bi, công nghệ sinh học...”, ông Lai nói.

Hiện nay, UNDP đang hỗ trợ thử nghiệm xử lý dioxin bằng công nghệ nghiền bi, nếu việc thử nghiệm này thành công thì khả năng áp dụng công nghệ nghiền bi để xử lý đất nhiễm hoá chất BVTV POP là hoàn toàn có thể thực hiện trong thời gian tới.

Với mục tiêu “cải tạo và phục hồi môi trường tại hơn 300 điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng từ nay đến năm 2015; đến năm 2025 xử lý toàn bộ các điểm còn lại nhằm loại bỏ hóa chất BVTV tồn lưu tại Việt Nam ra khỏi đời sống”, hi vọng rằng trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các cơ quan, ban ngành liên quan sẽ có những bước phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và đúng cách để việc xử lý và phục hồi môi trường tại các điểm ô nhiễm hóa chất BVTV được triệt để và hiệu quả.

Vân Anh