Trung Quốc:

Chàng trai không tay thừa điểm vào ĐH

(Dân trí) - Mất hai tay khi còn nhỏ và chỉ làm bài thi bằng chân, một chàng trai 21 tuổi ở hạt Ninh Hải (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc vẫn đỗ vào một trường ĐH hàng top. Từ Hoan Kiệt được 639 điểm, thừa 34 điểm vào Khoa Kinh tế và Quản lý trường ĐH Ninh Ba.

Chàng trai không tay thừa điểm vào ĐH - 1

Sau khi bị phẫu thuật cắt cánh tay, Từ Hoan Kiệt đã nỗ lực rèn luyện để có thể viết chữ bằng chân. (Ảnh: CCTV)
 

Trong kỳ  thi tuyển sinh ĐH vừa rồi, Kiệt làm bài thi trên một cái bàn đặc biệt. Cậu là thí sinh duy nhất ở TP Ninh Ba viết bài bằng chân phải.

 

Thừa  điểm đỗ ĐH nhưng Kiệt vẫn tiếc đôi chút. Trong bài thi ngôn ngữ, Kiệt chỉ còn 45 phút để viết bài luận nên đã không đọc kỹ câu hỏi trước khi viết. Hơn nữa, dùng ngón chân thì viết chậm hơn nhiều cho nên bài luận của cậu "rất tệ". Kiệt được 95 điểm/150 điểm, chỉ vừa đủ điểm qua.

 

Tập viết bằng ngón chân

 

Vào một ngày chủ nhật năm 1997, trong khi chơi cùng mấy người bạn, chú bé 9 tuổi Từ Hoan Kiệt bị điện giật và phải vào viện. Phần cánh tay dưới hai vai của Kiệt bị cắt bỏ sau ca phẫu thuật.

 

Sau khi ra viện, Kiệt ở nhà nửa năm. Từ một chú bé nghịch ngợm, Kiệt trở nên trầm lặng và thu mình. Ông Từ Thiếu Lâm, bố của Kiệt, xin tư vấn của bác sĩ và được khuyên phải lạc quan và giúp con hồi phục tinh thần. Vốn là người ít nói, ông Lâm bắt đầu trò chuyện với con. Ông Lâm bảo với con rằng cậu vẫn có thể ăn, đọc sách và viết chữ mà không cần tay. Chú bé Kiệt không tin lời bố nhưng rồi vẫn thử và tập hết sức để cầm bút bằng ngón chân. Lúc đầu, cái bút luôn rơi xuống đất và Kiệt lại nhặt lên. Dần dần, cậu bé biết cách dùng chân cầm chắc cây bút. Cậu bắt đầu luyện viết.

 

Trong khi chân trái ấn mạnh lên quyển vở, Kiệt dùng các ngón chân phải kẹp bút và cố gắng viết. Vì các ngón chân gượng gạo hơn nhiều so với ngón tay và mắt lại ở xa khi viết bằng chân, các con chữ mà Kiệt viết luôn nghiêng ngả. Bố Kiệt nói đùa rằng các con chữ không như người say. Nhưng cậu bé đáp: “Không sao. Một ngày chúng sẽ đứng thẳng được”

 

Nhờ sự động viên của bố, Kiệt dần trở nên vui vẻ. Cậu đã quen với việc viết chữ bằng chân. Vào mùa đông, có những khi trời lạnh khiến bàn chân cậu như không có cảm giác còn lưng thì đau ê ẩm do phải cúi rạp xuống. Vì lực của các ngón chân không đều nên giấy thường bị xé rách còn bút thì bị vỡ. Dù vậy, Kiệt vẫn gắng tập viết vài tiếng mỗi ngày. Kiệt không chịu dừng viết cho đến khi bố cậu "tịch thu" cây bút. Sau nửa năm luyện tập, các con chữ của Kiệt không còn xô vẹo giống người say nữa. 

 

Tự  học không cần gia sư

 

Tháng chín năm 1998, Kiệt trở lại trường. Cậu được giáo viên xếp ngồi vào một chiếc bàn đặc biệt ở dãy cuối của lớp. Chiếc bàn này không có mặt bàn để Kiệt có thể nhấc chân lên viết.

 

Dù không còn là lớp trưởng, Kiệt vẫn hoạt bát và cởi mở như trước. Sự khác biệt duy nhất là cậu phải giơ bàn chân lên khi muốn phát biểu. 

 

Vào giờ  ra chơi, Kiệt thích tán gẫu và cười đùa với các bạn. Các bạn cùng lớp cũng rất thích chơi với Kiệt, không phải vì thương hại mà bởi vì họ cảm động bởi sự lạc quan và tự tin của Kiệt khi ở bên cậu.

 

Vì phải  đi điều trị bệnh, Kiệt vắng nhiều buổi học nhưng cậu không phải học lại một lớp nào. Cậu đã nỗ lực để theo kịp các bạn. Kiệt lúc nào cũng chăm học. Hồi học phổ thông, cậu được chọn đi thi học sinh giỏi Toán và Tự nhiên. Trong suốt 12 năm học, Kiệt không bao giờ cần người gia sư mà tự học hoàn toàn.
 
Chàng trai không tay thừa điểm vào ĐH - 2

Kiệt dùng ngón chân đánh chữ và rê chuột. (Ảnh: CCTV)

 

Không muốn dựa vào người khác

 

Giống như  những chàng trai khác, Kiệt cũng thích thể thao, đặc biệt là bóng đá. Đặc biệt, Kiệt rất giỏi môn chạy nước rút và nhảy xa. Tại Para Games Ninh Ba diễn ra vào tháng tám năm 2002, Kiệt giành thứ hạng đầu tiên trong ba nội dung thi đấu cho thanh niên, đó là chạy đua 100m, chạy đua 200m và nhảy xa.

 

Kiệt còn biết sử dụng thành thạo máy tính, cậu đánh chữ và di chuyển chuột bằng ngón chân với tốc độ như người bình thường.

 

Kiệt đã phải cân nhắc về điều kiện sức khỏe khi đăng ký trường ĐH và đã chọn Trường ĐH Ninh Ba cho gần nhà. Ước mơ của cậu là mở công ty kinh doanh.

 

Trong khi chờ  nhập học, Kiệt bắt đầu tập luyện một cách toàn diện để sau này có thể tự chăm sóc mình ở trường ĐH. Cậu không muốn làm phiền bạn học và bạn cùng phòng, nhất là về những việc cá nhân như đi tắm và đi vệ sinh.

 

Kiệt cho biết cậu có rất nhiều ước mơ và mục tiêu. Dù không có tay nhưng cậu sẽ dùng đôi chân để có thể vững vàng trong cuộc sống.

 

Xuân Vũ

Theo CCTV