Cô gái từ chối học tiến sĩ trời Tây bởi tình yêu với... mắm (P.2)

(Dân trí) - Sau khi về nước, đầu năm 2013, Đào Thị Hằng bắt tay vào thực hiện kế hoạch của mình. Mẹ chị là người ủng hộ đầu tiên và với những kinh nghiệm sẵn có, bà là người hỗ trợ tích cực cho chị trong khâu sản xuất sau này.

Đầu tiên, Hằng bỏ ra 6 tháng rong ruổi khắp vùng biển của dải đất hình chữ S. Chị lặn lội đến các vùng làm mắm nổi tiếng từ Hải Phòng đến Bình Thuận để thu thập các loại mắm, quan sát và học hỏi kinh nghiệm làm mắm ở các địa phương. Trong hành trình đó, chị đã thu thập được hơn 25 loại mắm, trong đó có rất nhiều món mắm đã được dùng để tiến vua, song, hiện nay gần một nửa số đó đã bị thất truyền.

 

Đi theo mùi mắm bằng tất cả trái tim

 

Khi về quê, chị cùng em trai len lỏi khắp các vùng biển Mỹ Thủy, Cửa Việt, Cửa Tùng để xem xét cách làm mắm ở địa phương. Hằng nếm tất cả vị mắm của từng nơi chị đi qua và khẳng định rằng, mắm ở quê mình rất thơm và đậm đà.

 

Càng tìm hiểu, càng làm, chị càng mê món mắm. Chị cho biết: “Nước mắm ngon có màu vàng cánh gián hơi đậm, trong veo, nếm vào tê ở đầu lưỡi, ăn ngon “nhức răng” – như cách nói của người Quảng Trị”.

 

Có những hôm chị và em trai đi nếm mắm quên cả giờ ăn trưa và chẳng thấy đói bụng, phải chăng mắm nhiều chất dinh dưỡng đến thế hay là mình say mê đến độ quên cả đói!
 
Bước chân của cô gái theo dọc triền cát trắng với mong mỏi bảo tồn, phát triển nghề mắm
Bước chân của cô gái theo dọc triền cát trắng với mong mỏi bảo tồn, phát triển nghề mắm

 

Khi tìm hiểu về công đoạn làm mắm ở địa phương, chị được các bà, các chị chỉ bảo tận tình, ai cũng vui mừng khi biết dự án mà chị đang thực hiện sẽ bảo tồn và phát triển nghề họ đang làm.

 

Hoàn cảnh mà chị trăn trở nhất là gia đình dì Rỏ, trú tại thôn Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Dì là một phụ nữ đơn thân sống cùng em gái ốm yếu và hai người con trai, trong đó người con trưởng mắc chứng tâm thần.

 

Một mình dì lọc nước mắm nuôi chừng ấy miệng ăn trong nhà. Khi biết rõ hoàn cảnh của người phụ nữ đáng thương này, Hằng tìm mọi cách để mở rộng và phân phối nước mắm cho dì Rỏ.

 

Chị chia sẻ: “Nhìn dì Rỏ cầm ba triệu đồng trên tay mà khóc rấm rứt, bảo rằng ba mươi hai năm lọc mắm, dì chưa bao giờ cầm nhiều tiền đến vậy, tôi càng cảm thấy mình cần phải làm nhiều hơn nữa.” Dỉ Rỏ thì cứ nắm lấy chặt lấy tay Hằng thay cho lời cảm ơn nghẹn ứ trong cổ.

 
Dì Rỏ một phụ nữ đơn thân khó khăn ở Hải An, Hải Lăng mà Hằng giúp đỡ.
Dì Rỏ một phụ nữ đơn thân khó khăn ở Hải An, Hải Lăng mà Hằng giúp đỡ.
 

Hằng tìm về những hộ gia đình có kinh nghiệm làm mắm lâu đời, chị cho rằng, nguồn hàng ở các hộ gia đình này rất đảm bảo vì họ hầu hết là những người làm mắm sạch và yêu nghề. Hằng đặc biệt lưu ý đến hoàn cảnh của từng hộ để hỗ trợ họ ở kênh vận chuyển và phân phối.

 

Mệ Tùng, ông Tứ (xã Hải An, huyện Hải Lăng) rưng rưng tâm sự: “Chúng tôi làm mắm từ sau 1975 đến chừ, thu nhập bấp bênh theo thị trường cá nhưng vẫn không thể bỏ vì duyên nợ với nghề. Con cái cũng không mấy mặn mà để nối nghiệp cha mẹ.

 

Tuy nhiên, kể từ khi Hằng đến, mỗi tháng cháu mua cho tôi mỗi lần 60- 80 lít, có tháng mua tới 3 đợt như rứa, giải quyết đầu ra cho gia đình tôi. Hằng còn động viên chúng tôi đừng bỏ nghề và truyền động lực cho con gái tôi, bây chừ con gái tôi đã quyết định theo nghề của cha mẹ, thật không có gì vui hơn”.

 
Nếm thử nước mắm của mệ Tùng
Nếm thử nước mắm của mệ Tùng
 

Giữ mắm đúng nghĩa của mắm

 

Sau khi lấy nguồn mắm từ các hộ gia đình trong tỉnh về, chị Hằng mày mò, nghiên cứu, tiết chế độ mặn của mắm phù hợp với khẩu vị của từng vùng miền, sau đó đóng chai và phân phối đi mọi nơi. Vậy là nước mắm dì Rỏ, mệ Tùng, mệ Thảo, dì Xây, dì Xiêm, dì Bé, dì Vân đã đến tay người tiêu dùng khắp mọi tỉnh thành.

 

Các sản phẩm mà chị kiểm nghiệm không sử dụng hóa chất bảo quản và được kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua hơn hai tháng đưa ra thị trường, Hằng đã nhận được những phản hồi tích cực, ban đầu khách hàng chỉ đặt một vài chai ăn thử, nay đã đặt 40-50 chai để ăn dần và làm quà biếu. Đây chính là niềm động viên tiếp sức cho chị trên chặng đường dài phía trước.

 

Bên cạnh nước mắm, cơ sở của chị còn có các sản phẩm đặc trưng khác như ruốc thơm, ủ 3 năm nên thơm phức, không cát lại ngọt, mắm cá Rò, mắm cà pháo - đu đủ, mắm nêm, tôm chua truyền thống, mắm thính cá khúc, nước mắm chắt...
 
Hằng và các sản phẩm mắm vùng biển quen thuộc. 
Hằng và các sản phẩm mắm vùng biển quen thuộc. 

 

Stephen Le, một người Canada gốc Việt, là tiến sỹ Nhân chủng học (ĐH California, Los Angeles, Mỹ) đang hoàn thành cuốn sách về ẩm thực truyền thống của các nước trên thế giới.

 

Anh cho biết, tỷ lệ người Việt bị các bệnh ung thư và tiểu đường ở Mỹ và Canada cao hơn tỷ lệ  này ở người Việt ở Việt Nam, điều này làm anh tò mò nghiên cứu về thức ăn truyền thống mà người xưa thường hay ăn.

 

Ở Việt Nam, anh chọn món mắm để tìm hiểu, Hằng chính là người anh tìm gặp để cùng chị tìm hiểu thêm về các món mắm truyền thống. Stephen chia sẻ: “Tôi rất thích công việc mà Hằng đang làm.

 

Ở Việt Nam, mắm là món ăn không thể thiếu trong gia đình Việt, gắn liền với văn hóa bản sắc. Thử tất cả các sản phẩm mắm cơ sở chị Hằng, tôi thấy rất ngon, rất đậm đà. Hơn nữa, việc làm của Hằng còn tạo ra một sự thay đổi đối với đời sống của người dân và có ý nghĩa thiết thực trong việc bảo tồn nghề truyền thống của quê hương, tôi đánh giá rất cao điều đó”.

 

Hằng luôn nuôi ý tưởng để đưa các sản phẩm mắm của quê hương ra thị trường thế giới.  Chị tâm sự: “Ruốc và mắm thu của mình rất xuất sắc, thơm phức, không lẫn cát sạn và rất ngọt ruốc.

 

Mình muốn tập cho người nước ngoài dùng ruốc quệt vào bánh mỳ, ăn kèm với phomát và rau sẽ rất ngon, bên cạnh đó còn có giá trị dinh dưỡng lớn. Mắm thính của mình bảo quản được rất lâu, thơm phức mùi ngô rang, chỉ có ở Quảng Trị. Và đây, là những sản phẩm tiềm năng cho xuất khẩu”.

 

Chặng đường đó hẳn có rất dài nhưng với nụ cười lạc quan cùng với ý chí và cái tâm trong sáng, ắt hẳn Hằng sẽ đạt được điều mình mong muốn.

 

Diệu Ái