Gần một nửa Gen Z thường xuyên "đau đầu vì tiền"

Đức Chung

(Dân trí) - Đó là kết quả khảo sát năm 2022 của công ty kiểm toán hàng đầu Deloitte. Khảo sát cũng đồng thời hé lộ những mối lo lớn nhất của Gen Z.

Gần một nửa Gen Z thường xuyên đau đầu vì tiền - 1

Theo kết quả khảo sát mới đây của công ty kiểm toán Deloitte, có tới 46% Gen Z rơi vào tình trạng căng thẳng về tài chính (Ảnh: Getty).

Ngày nay, chuyện kiếm tiền đang ngày càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, đặc biệt là đối với những người trẻ. Khảo sát mới đây của Deloitte đã hé lộ những thử thách mà Gen Z đang gặp phải trong cuộc sống, và vấn đề lớn nhất của họ chính là tài chính bấp bênh trong một thế giới ngày càng đắt đỏ.

Mặc dù mọi thế hệ đều bị ảnh hưởng bởi lạm phát tăng cao, nhưng những người lao động trẻ tuổi mới phải chịu tác động sâu sắc nhất. Khi được hỏi về nỗi lo tài chính nào khiến họ quan tâm nhất, có đến 29% Gen Z đã đề cập đến chi phí sinh hoạt (tiền nhà cửa, phí đi lại, các hóa đơn thanh toán hàng tháng). Ngoài ra, 46% Gen Z được khảo sát đã nói rằng tiền lương chỉ đủ giúp họ sống qua ngày, 25% cho biết không phải lo nghĩ chuyện tiền bạc mỗi tháng.

Giải quyết chi phí sinh hoạt

Vậy làm thế nào để Gen Z có thể xử lý những bất ổn tài chính này? Deloitte nhận ra rằng mức lương thấp chính là lý do hàng đầu khiến người trẻ rời bỏ công việc trong vòng 2 năm gần đây. Có 50% người trẻ đã phải chuyển đến nơi có mức sống thấp hơn để tiết kiệm tiền, và có đến 33% người được khảo sát đã nói rằng làm việc từ xa giúp họ cắt giảm chi tiêu hơn.

Không chỉ vậy, có đến 43% Gen Z đã phải tìm kiếm thêm công việc khác, hoặc công việc bán thời gian bên cạnh công việc chính. Cũng theo bản báo cáo, các công việc bên lề không chỉ đơn thuần mang lại thu nhập cho Gen Z, mà nó còn là phương tiện để Gen Z thể hiện bản lĩnh kinh doanh của mình.

Liên quan đến công việc chính, các nhân viên thuộc Gen Z rất khao khát được thăng chức sớm, trong số đó có 49% hi vọng được cấp trên hiện tại của mình bồi dưỡng cho những kĩ năng quản lý, lãnh đạo.

Khao khát sự ổn định

Theo số liệu của Deloitte, 40% Gen Z sẽ nghỉ việc sau 2 năm làm việc, và 35% trong số đó khẳng định sẽ bỏ việc kể cả khi chưa tìm được công việc thay thế. Đáng chú ý, khảo sát năm 2021 của Deloitte cho thấy 25% người lao động thuộc thế hệ Millennials cũng có ý định rời bỏ công việc hiện tại chỉ sau một năm làm việc.

Ở một diễn biến ngược lại, khảo sát gần đây của Icims đã đưa ra những số liệu đối lập với Deloitte. Icims cho biết, 70% sinh viên tốt nghiệp năm 2020-2021 có xu hướng gắn bó lâu dài với một công ty. Tác giả của khảo sát trên cũng đưa ra một lập luận rằng mặc dù Gen Z chọn lựa công ty làm việc rất kỹ lưỡng, nhưng họ cũng mong muốn tìm được một công ty phù hợp để có thể ổn định tài chính.

Cân bằng giữa duy tâm và duy vật

Vừa quan tâm đến những vấn đề xã hội, môi trường, vừa lo lắng về mức lương cần thiết để có thể chi trả phí sinh hoạt, nhiều người trẻ đang dần trở thành những người thực dụng duy tâm.

Thực dụng ở đây có nghĩa là người trẻ chọn công việc giúp họ kiếm được nhiều tiền nhất. Nhưng đồng thời, về mặt duy tâm, công việc mà họ chọn phải có vai trò trong việc thay đổi thế giới. Nhưng có một điều đáng lưu ý ở đây: nếu Gen Z chọn công việc chỉ vì tiền bạc thì có nghĩa là họ sẽ không gắn bó lâu dài với công việc đó.

Trở nên tự chủ

Đôi khi, chúng ta thấy Gen Z như thể đến từ một hành tinh khác khi so sánh với các thế hệ còn lại. Đúng là Gen Z có chút khác biệt so với các thế hệ trước, nhưng khi đề cập đến những khó khăn giữa đời sống tinh thần và vật chất, Gen Z cũng giống như tiền bối của họ. Đối mặt với nhiều thử thách khi còn rất trẻ, Gen Z đang nỗ lực đứng vững trên đường đời bằng chính đôi chân của họ.

Gen Z, hay những người mộng mơ ấy, giờ đây đang tận dụng trí tưởng tượng phong phú của mình để có thu nhập cao. Hay cả những Gen Z từng ưu tiên công việc, cũng đang dần suy ngẫm lại giá trị của bản thân, xác định lại lý do chính để gia nhập một công ty.

Theo www.forbes.com