Kẻ cho chữ trên đất Trung Hoa

Gia đình thằng bé ấy thuần Việt 100%, nhưng bản thân nó thì tò mò về văn hoá Hán. Giờ đây, nó là một thanh niên ở độ 20, tự nhận mình là kiểu người: “Sáng chơi thư pháp. Chiều viết thơ vẽ tranh và... tối đi Karaoke hát hò nhảy múa!!!”

Một buổi tối mát lành, dưới ánh trăng mờ ảo, ở phố Kim Bảo Nhai nội thành Bắc Kinh Trung Quốc, một thanh niên 20 tuổi người Việt cùng một số cụ già người Hoa viết chữ Hán lên nền sân rộng hơn 50 mét vuông.

Sau đó một cụ già đã viết tặng chàng sinh viên ấy 2 câu thơ: “Giang thượng tài nhân kim hữu hiện - Bất tại Thần Châu tại Việt Nam” (nghĩa là: Kẻ tài tử trên sông, nay lại xuất hiện - Không phải ở Thần Châu (TQ) mà ở Việt Nam).

“Tài nhân” ấy là Trần Quang Đức, một sinh viên Việt Nam cách đây 4 tháng đã vào nhập học ở khoa Trung văn, trường ĐH Bắc Kinh.

Người cho chữ

Cậu tâm sự: “Đó là lần đầu mình “cho chữ” người Trung Quốc. Mình, một thằng nhóc Việt Nam lạnh lùng cầm bút viết chữ kín sân, sau đó thì cao đàm khoát luận hết về thơ Đường từ Tống lại đến Tứ thư ngũ kinh rồi Bách gia chư tử, cuối cùng đọc thơ Hán bằng tiếng Việt cho họ nghe, khiến họ vô cùng nể phục.

Lần thứ 2 là giao lưu tại CLB Thư pháp ở trường ĐH Bắc Kinh. Mình viết 4 bài thơ tự sáng tác, 3 bài theo lối thơ Đường, 1 bài viết theo lối từ Tống. Những người Tàu nhìn chữ ngỡ ngàng.

Đến khi mình viết dòng lạc khoản (chú thích): “Việt Nam thư sinh Nam Phong Quang Đức thư” thì họ thực sự ngã ngửa khi biết mình là người nước Nam chứ không phải là dân xứ Bắc. Họ xúm lại xem, những người già ở đó khen và treo ngay mấy bức viết của mình lên. Mấy cô sinh viên người Trung Quốc cũng vào xin mình thơ và chữ.

Còn lần thứ 3 là tại lễ hội văn hoá quốc tế do trường tổ chức, mình mặc bộ áo the khăn xếp của quê hương. Khi họ ào đến xin chữ, mình viết lên áo họ cả chữ Quốc ngữ, chữ Hán và chữ Nôm. Thú thật, cả 3 lần ấy, đều có một cảm xúc cực kỳ khó tả.

Sức mạnh dạo đầu bằng đam mê

Kẻ ngạo nghễ nói trên không làm cho tôi có cảm giác mình đang nói chuyện với một ông đồ già u uẩn hay kẻ ẩn dật xa lánh thế sự mà say đắm với thi, thư, nhạc, hoạ.

Thanh niên 20 ấy tự nhận mình là kiểu người: “Sáng chơi thư pháp. Chiều viết thơ vẽ tranh và... tối đi Karaoke hát hò nhảy múa!!!” Đó là sở thích, là thứ đam mê không giản đơn có thể lý giải bằng lời...

Gia đình thằng bé ấy thuần Việt 100%, nhưng bản thân nó thì  tò mò về văn hoá Hán. Thằng bé tự học 2 năm thì bố biết rồi cấm tiệt. Bố nó chỉ nghĩ rằng cái thứ “cổ học” ấy lấy đâu ra tương lai, nhưng nó vẫn tự học ở nhà.

Cho đến Tết năm ấy, theo bố đến nhà một cụ già có treo 4 chữ đại tự. Mọi người và bố đố nó: đọc được thì cho đi học. Ai ngờ thằng bé đọc vanh vách. Vậy là cuối năm lớp 7 (1997) khi người dạy, người học tiếng Trung - thứ tiếng được coi là “không mấy tương lai” còn lác đác trên đầu ngón tay, thì thằng bé cấp 2 cắp sách đi học cùng các “anh, chị” 45, 50 tuổi!

Đức kể lại: “Dạo ấy, được cái băng nghe là sướng phát điên. Yêu thư pháp, mà cái bút lông hồi ấy ở Hải Phòng kiếm mãi không ra, nói chi đến sách dạy. Rồi ông của một thằng bạn cũ chuyên viết sớ, bán cho một cây bút lông, một thỏi mực với giá 20 ngàn - quá đắt với một học trò lớp 7. Cắn răng mua xong, rồi “nâng niu cây bút và thỏi mực bé xíu ấy như nâng trứng”.

Khi bút hỏng, mực hết, có lần còn nghịch, cắt tóc buộc vào đũa rồi chấm mực Cửu Long tập viết chữ. Hồi ấy, khi 99% bạn bè cùng lứa còn ham hố với trò chơi điện tử, say mê với bóng đá, thì thằng bé lại lôi chữ ra tập viết, rồi học tiếng Trung, đọc thuộc thơ văn của các cụ...

Sau những năm Trung học, cậu học trò ấy đã trở thành SV lớp chất lượng cao, ĐH Sư phạm Ngoại ngữ - ĐHQGHN, với điểm thi đứng đầu.

Trong cuộc thi tiếng Trung cầu Hán ngữ (cuộc thi tiếng Trung dành cho sinh viên toàn thế giới), tại Việt Nam chọn ra trong toàn quốc 2 sinh viên sang Bắc Kinh so tài với anh em quốc tế, các thầy cô sững sờ và tự hào khi cậu sinh viên năm thứ nhất Quang Đức đã đoạt giải nhất ở Việt Nam rồi tiếp tục đoạt giải nhất bên Trung Quốc.

Với suất học bổng toàn phần, tháng 8 vừa qua, cậu đã đặt chân lên đất Bắc đầu quân vào trường Đại học Bắc Kinh và cậu vẫn tiếp tục với Trung văn - tiếp tục với đam mê mà chưa một giây phút nào ngừng nghỉ...

Theo Thùy Dương
Sinh Viên Việt Nam