Làm thế nào để thoát khỏi "bóng ma" áp lực đồng trang lứa?

Nhật Chung

(Dân trí) - Bạn có cảm thấy áp lực khi bạn bè ngày ngày thành công, trong khi mình vẫn dậm chân tại chỗ?

Áp lực đồng trang lứa (Peer pressure) là khi cá nhân chịu ảnh hưởng của những người thuộc cùng một nhóm xã hội và phải thay đổi thái độ, giá trị hoặc hành vi của họ để phù hợp với các chuẩn mực của nhóm.

Thanh thiếu niên là đối tượng thường được nhắc đến nhiều nhất khi đề cập tới áp lực đồng trang lứa, bởi sự thiếu hụt kinh nghiệm sống cũng như những thay đổi về tâm sinh lý khiến họ dễ bị tác động hơn.

Làm thế nào để thoát khỏi bóng ma áp lực đồng trang lứa? - 1

Thanh thiếu niên là đối tượng gặp ảnh hưởng mạnh bởi áp lực đồng trang lứa.

"Peer pressure" có thể đến từ những người xung quanh, như những câu so sánh của bố mẹ hay đến từ chính bản thân bởi sự mặc cảm, tự ti so với những người đồng trang lứa. Nhìn chung, ai cũng có vấn đề riêng và có một nỗi sợ vì chưa đạt được thành tựu giống như bạn mình.

Áp lực từ những người bạn đồng trang lứa là hiện diện sâu trong tiềm thức, khiến cho bản thân chúng ta làm những phép so sánh hết sức thiếu căn cứ giữa bản thân và những người xung quanh. Từ đó làm nảy sinh những áp lực và cảm xúc buồn bã không đáng có.

Làm thế nào để sống chung với áp lực đồng trang lứa?

Ai rồi cũng có thời của mình, ngày hôm nay bạn có thể choáng ngợp với thành công của Kylie Jenner ở tuổi 24, nhưng đừng quên có những người "vụt sáng" khi đã bước qua tuổi 88 như Harland Sanders của thương hiệu KFC. Việc bạn phấn đấu vượt qua áp lực là tốt, nhưng không có nghĩa bạn để nó "lởn vởn" trong đầu mà quên tận hưởng cuộc sống.

Ngừng so sánh bản thân với người khác

Theo bạn Phạm Xuân Trung (sinh viên chuyên ngành Quản trị Truyền thông đa phương tiện, trường Đại học FPT Hà Nội), cách tốt nhất để không bị ảnh hưởng bởi áp lực đồng trang lứa ngừng so sánh mình với người khác. Trung cho rằng các bạn trẻ không nên đặt ra cho bản thân câu hỏi "Tại sao mình không được như họ?".

Trung chia sẻ: "Khi bạn càng tự hỏi bản thân như vậy thì càng thấy mệt mỏi, bế tắc. Nhưng bạn sẽ chẳng bao giờ như họ và họ cũng sẽ chẳng bao giờ như bạn cả vì mỗi người mỗi bản thể khác nhau. Vì vậy, về cơ bản, nếu bạn cứ tiếp tục dùng hình tượng "con nhà người ta" làm đích đến của mình để phấn đấu, bạn sẽ chẳng bao giờ đạt được.

Làm thế nào để thoát khỏi bóng ma áp lực đồng trang lứa? - 2

Để không bị ảnh hưởng bởi áp lực đồng trang lứa, Xuân Trung chọn cách ngừng so sánh mình với người khác.

Để thoát khỏi "vũng lầy" áp lực, chúng ta phải rũ bỏ quan niệm "thành công hơn người khác" và thay thế nó bằng những thước đo lành mạnh hơn. Có một chuẩn mực khá đơn giản mà tớ đã áp dụng để thoát khỏi áp lực đồng trang lứa, đó là: Tốt hơn chính mình ngày hôm qua. Làm điều tốt cho mình là thành công. Không làm điều đó là thất bại. Tốt hơn bản thân của ngày hôm qua là thành công. Không tiến bộ thêm chút nào là thất bại."

Mỗi người có một điểm mạnh riêng

Bạn Hoàng Phương Nhi, sinh năm 1997, cựu du học sinh Đại học Khoa học Ứng dụng Kiel, Liên bang Đức cho biết bản thân gặp áp lực đồng trang lứa từ chính mình và mạng xã hội. Hàng ngày, Phương Nhi bị phải nghe những lời so sánh với những người thành công cùng độ tuổi. Đó là định kiến về một cuộc sống ổn định, có nhà cửa, thu nhập cao...

Cô bạn tâm sự: "Những lời lẽ ấy đã tác động tới tâm lý của mình rất nhiều. Mình tự nhủ phải giống như những người khác và nhanh chóng đạt được thành công như họ. Suy nghĩ này không giúp mình giảm gánh nặng mà còn tạo nên áp lực từ bên trong cho chính bản thân."

Vì vậy, Phương Nhi quyết định thay đổi khái niệm thành công: "Không phải mua nhà, mua xe, không phải lương cao hay lập gia đình. Mỗi ngày đạt được mục tiêu mình đề ra và tận hưởng cuộc sống một cách vui vẻ là một thành công rồi".

Làm thế nào để thoát khỏi bóng ma áp lực đồng trang lứa? - 3

Theo Phương Nhi, mỗi ngày đạt được mục tiêu mình đề ra và tận hưởng cuộc sống một cách vui vẻ là một thành công.

"Mỗi người có một điểm mạnh riêng, không ai hoàn hảo cả, và cũng không ai kém cỏi toàn diện. Những gì ta nhìn thấy ở người khác chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Bạn bè có năng khiếu ở lĩnh vực này và ta có thế mạnh ở chuyên môn khác. Điều các bạn trẻ cần làm là yêu thương bản thân và trân trọng những gì mình có. Hài lòng với điều mình đang làm là cách tốt nhất để có thể loại bỏ áp lực", Nhi bày tỏ.

Đi trên con đường của mình

Với bạn Đỗ Hà Thu, sinh năm 2002, sinh viên năm 2 - ĐH FPT Hà Nội, lý do chính khiến các bạn trẻ bị ảnh hưởng bởi áp lực đồng trang lứa chính là chúng ta thường để ý về những thành tích của người khác mà quên mất bản thân đã làm được rất nhiều điều. Chính vì vậy, để giảm ảnh hưởng từ áp lực đồng trang lứa, cô bạn đã thay đổi trong cách suy nghĩ, tập trung hơn vào mục tiêu cũng như có những lựa chọn riêng của mình.

Làm thế nào để thoát khỏi bóng ma áp lực đồng trang lứa? - 4

Hà Thu cho rằng chúng ta thường để ý về những thành tích của người khác mà quên mất bản thân đã làm được rất nhiều điều.

Hà Thu đưa ra quan điểm: "Người trẻ nên có sự lựa chọn kỹ càng đối với bạn bè, những người ta theo dõi trên mạng xã hội, giá trị mình tin tưởng và cách bản thân phản ứng trước vấn đề. Sẽ thật đáng tiếc nếu bạn không chọn điều phù hợp nhất với chính mình.

Bên cạnh đó, nên đặt ra những giới hạn, tự nhận thức được điểm mạnh cũng như điểm yếu để có thể phát triển một cách toàn diện nhất. Quan trọng hơn cả là hãy luôn biết yêu thương chính bản thân mình nhiều hơn.

Thay vì quan tâm đến những thứ bề nổi về thành tích, hãy tò mò về cách những người thành công học được những gì sau từng trải nghiệm hay trải nghiệm đó có ý nghĩa như thế nào đối với hành trình của riêng họ.

Hãy nhìn lại và áp dụng cho bản thân nếu phù hợp. Mình cứ về cần mẫn nối từng dấu chấm trên bản đồ phát triển của mình, bước một cách cẩn thận ở từng chặng nhỏ. Cứ thế từng thành quả của chúng ta sẽ xuất hiện, lúc đó mình hạnh phúc và thầm cảm ơn bản thân vì đã kiên định với lối đi riêng".