“Lâu lắm rồi, trường mới có một SV xuất sắc như thế”

Đó là nhận xét của PGS.TS. Lê Thị Minh Nghĩa - trường ĐH Bách khoa TPHCM - về An Võ Đức Anh và luận văn tốt nghiệp đại học ngành Kỹ thuật hàng không với đề tài “Xây dựng chương trình tính lực thủy động học cho thủy phi cơ”.

Đức Anh là cựu học sinh trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, TP Cần Thơ, sinh viên trường Đại học Bách khoa TPHCM (niên khóa 2000-2005).

 

An Võ Đức Anh là con thứ hai của gia đình nhà giáo An Bằng Đung, giáo viên trường phổ thông chuyên Lý Tự Trọng (Cần Thơ). Anh của Đức Anh hiện là giáo viên tiếng Pháp ở ĐH Cần Thơ và đang tu nghiệp tại Pháp. Gia đình Đức Anh đã có một thời kỳ đầy khó khăn.

 

Trước khi được nhận trở lại làm giáo viên, thầy An Bằng Đung đã phải làm đủ thứ nghề để nuôi hai anh em Đức Anh còn nhỏ và một người vợ đau ốm. Chính trong những năm tháng khó khăn của gia đình, sự vất vả của cha đã hun đúc nên trong anh em Đức Anh ý chí vươn lên, không chấp nhận thân phận nghèo khó, biết nuôi dưỡng ước mơ nghị lực quyết tâm học thật giỏi.

 

Cũng như anh của mình, Đức Anh học rất giỏi, liên tục đạt danh hiệu xuất sắc từ năm lớp 1 đến lớp 12. Khi vào lớp chuyên toán của trường Lý Tự Trọng, Đức Anh là một lớp trưởng năng nổ đã giành nhiều giải thưởng: Huy chương đồng Olympic môn toán của 41 tỉnh, thành phía nam; Huy chương bạc môn toán ở kỳ thi học sinh giỏi của 12 tỉnh khu vực ĐBSCL.

 

Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Đức Anh luôn ước muốn mình được bay lên trời, lặn xuống biển để khám phá những bí mật của vũ trụ và đại dương.

 

Năm 2000, em quyết tâm thi đỗ vào ĐH Bách khoa TPHCM, và chọn ngành hàng không. Suốt 5 năm học, Đức Anh luôn là sinh viên xuất sắc, nhiều lần được nhận học bổng của các nước Nhật Bản, Pháp hỗ trợ cho những sinh viên nghèo hiếu học.

 

Làm luận văn tốt nghiệp, Đức Anh tự đăng ký một đề tài vào loại khó mà rất ít sinh viên dám làm, đi sâu vào vấn đề lập trình cho chương trình “Tính lực thủy khí động cho thủy phi cơ” để ứng dụng trong thiết kế chế tạo thủy phi cơ. Đây là công trình nghiên cứu có nhiều khả năng vận dụng vào thực tế, trên cơ sở nguyên lý làm sao để loại máy bay này tiết kiệm nhiên liệu, khả năng tăng vận tốc nhanh.

 

Việc bay trên trời như một phản lực hay khi hạ cánh xuống nước biến thành một tàu cao tốc đều hoàn hảo. Chương trình này sẽ được báo cáo tại hội nghị khoa học ngành hàng không toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội tháng 5 này.

 

Đứng đầu danh sách sinh viên tốt nghiệp ĐH Bách khoa niên khóa 2000-2005, Đức Anh nhận học bổng chương trình đào tạo cao học của hai Chính phủ Singapore và Nhật Bản.

 

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, người tham gia phản biện luận văn của Đức Anh đã nhận xét: “Luận văn của Đức Anh rất xuất sắc không chỉ mang tính khả thi ở Việt Nam mà một số nước tiên tiến cũng có thể học hỏi được nhiều ý tưởng sáng tạo bổ ích”.

 

“Là người Việt Nam, sau khi hoàn thành tu nghiệp ở Nhật Bản về, em sẽ đem hết sự hiểu biết của mình phục vụ ngành hàng không nước nhà. Em sẽ không ở lại Nhật Bản hoặc Singapore để làm việc dù ở đó đồng lương có cao”, Đức Anh nói về dự định tương lai.

 

Theo Đại Đoàn Kết