Lời yêu thương chưa muộn

Lòng H. cảm thấy quặn đau vì thương mẹ và thảng thốt lo sợ ngày nào đó sẽ không có mẹ hiện diện trong cuộc đời. Từ đó, ở trường cai nghiện, H. đã lao vào lao động ngày đêm để mong chuộc lại lỗi lầm.

Với các nạn nhân ma tuý, khi cơn thèm khát qua đi thì đâu đó trong lòng họ vẫn đọng lại những tình cảm chân thành. Đặc biệt, đối với nhiều người đang làm lại cuộc đời ở các trường cai thì những ám ảnh về cái chết trắng cứ lặng lẽ mất theo thời gian và những tình cảm yêu thương nồng ấm dần dần được hồi sinh trở lại…

 

Những người đang cai này thường nghĩ gì và nhớ về điều gì nhất? Và thật ngạc nhiên khi những điều họ nhớ nhất không phải là những cơn say với “nàng tiên nâu” hay những thú vui thâu đêm suốt sáng… mà lại là một mái ấm gia đình quá ư gần gũi và bình dị.

 

“Tôi thèm được ngồi ăn cơm tối với gia đình như ngày nào” - L. bằng giọng xúc động nói về những bữa cơm mà “khi đó, mẹ sẽ gắp thức ăn cho tôi và thủ thỉ nói về đủ thứ chuyện trên đời”.

 

Đối với Q.- một học viên ở trung tâm cai nghiện Nhị Xuân - Hóc Môn (TPHCM) thì cứ “day dứt mãi về dáng mẹ lầm lũi bên bóng tre xanh, thèm canh mướp mồng tơi và đặc biệt là thèm... “kiếm” cho mẹ một nàng dâu hiền thảo cũng như đứa cháu nội thật dễ thương để nâng niu, bồng bế”. Không chỉ là sự day dứt mà thật ra đó còn là nỗi xót xa, ân hận khi Q. nghĩ về mẹ của mình vốn đã chịu quá nhiều đau khổ vì con.

 

Còn K. người đã mất với căn bệnh AIDS thế kỷ cũng đã từng sáng tác nguyên một trang thơ đăng trên nội san của trung tâm: “Rồi hôm nay như chiếc bấc lụi tàn/ Mẹ lặng lẽ hoá thân thành tro bụi/ Chợt đau nhói dòng nến tàn tức tưởi/ Chưa nụ hồng nào dành cho mẹ, mẹ ơi!”.

 

Tưởng chỉ là thơ... nhưng hoá ra, những lời tạ tội của K. với bao nỗi xót xa đã trở thành sự thật. Còn gì đau lòng hơn khi những đứa con chợt nhận ra hạnh phúc giản dị chính là mái ấm gia đình thì đã quá muộn màng bởi trót đánh mất quá nhiều điều vì ma tuý: tuổi trẻ, niềm tin và  cả tình yêu thương của những người thân…

 

Riêng H. mỗi lần nghĩ về mẹ là anh lại cảm thấy hối hận vô cùng: “Nhiều khi trong cơn đói thuốc, tôi như con thú dữ sẵn sàng la mắng và lấy cắp đi tất cả đồ đạc trong nhà trước sự bất lực của người mẹ già. Tuy thế, mẹ vẫn luôn bên tôi cận kề chăm sóc mỗi khi tôi say thuốc nằm vật vạ ở một góc nhà như người chết”.

 

Rồi H. đi cai nghiện và đã “bật khóc như một đứa trẻ khi cầm ổ bánh mì, bịch rau má mà mẹ mua cho từ sự chắt chiu dành dụm mới có được”. Bất chợt, lòng H. cảm thấy quặn đau vì thương mẹ và thảng thốt lo sợ ngày nào đó sẽ không có mẹ hiện diện trong cuộc đời. Từ đó, ở trường cai, H. đã lao vào lao động ngày đêm để mong chuộc lại lỗi lầm, lấy những thành tích tốt để làm món quà tặng mẹ.

 

 

Trong một bức thư gửi gia đình, T. vốn bị cha mẹ tuyên bố là “sẽ không bao giờ nhìn mặt nữa!” đã viết: “Không trách hờn mà chỉ có tiếng thở dài và sự thứ tha của mẹ. Tại sao mẹ luôn tha thứ mỗi khi con lầm lỗi? Tại sao mẹ luôn bao dung trước những lỗi lầm của con? Tại sao mẹ lại luôn chiều chuộng con  để rồi… con phải xa dần vòng tay của mẹ?”.

 

Những câu hỏi như lời trách móc ấy không gì khác hơn chính là niềm đau, là sự giày vò của đứa con khi nhận ra những tình cảm thiêng liêng đã bị chính mình huỷ hoại và khó lòng có thể hồi phục được. Tuy vậy, hãy tin chắc rằng tình yêu thương sẽ không bao giờ bị huỷ diệt bởi bất cứ lý do gì khi những người trong cuộc vẫn đang khát khao muốn níu giữ.

 

Dẫu đã va vấp, sai lầm nhưng những tâm hồn đang tìm lại sự hồi sinh trong nhân cách, tình cảm vẫn khao khát tình yêu thương và thứ tha của mọi người.

 

Xin mượn lời của một bài thơ để nói lên tâm sự của những đứa con lầm lạc đang tìm lối về:

 

Hãy đón con về trong yên ấm, mẹ yêu!

 

Cơn vật vã qua rồi

Mặt trời đời con lại hồng lên mỗi sớm

Dẫu thắt lòng, mẹ ơi, xin đừng khóc

Mỉm cười một lần, để biết chắc rằng một lần nữa con được sinh ra

Con nhớ như điên cái bậc cửa đầu nhà

Mẹ ngồi đó mỏi mòn chờ mỗi tối

Bóng ma của một thời mê muội

Giày vò con và gây khổ bao người

Có lẽ… Đời sẽ nhìn con xót thương lẫn nghi ngờ

Duy chỉ có mẹ bao dung, ngay cả khi con không còn là con nữa

Niềm tin của con giờ nằm trong tim mẹ

Bão giông qua…

Xin lại được làm người.

 

Theo Chí Hùng, Ngọc Phụng

Sài Gòn Tiếp Thị