Người “mang nạng” vào Học viện Công nghệ châu Á

Sinh năm 1977, mới 10 tháng tuổi, Huỳnh Ngọc Hồng Nhung mắc phải căn bệnh quái ác bại liệt, khiến đôi chân bị liệt. Nhưng với tình thương của mẹ, cùng nghị lực phi thường, Nhung lần lượt lấy 2 tấm bằng đại học tại Việt Nam.

Không dừng lại ở đó, hiện chị đang bước tiếp vào ngưỡng cửa của một trong những học viện kỹ thuật lớn nhất châu Á - Học viện Công nghệ châu Á (AIT) tại Bangkok, Thái Lan để theo học chương trình thạc sỹ về nghiên cứu phát triển nông thôn.

Vượt lên số phận

Tại chân cầu thang lên giảng đường của AIT, gặp một cô gái với đôi nạng gỗ và chiếc xe lăn, tôi đưa tay giúp nhưng cô gái nhỏ nhẹ cám ơn rồi tự mình xoay xở lấy.

Dr. Schmidt Votg, một giáo sư tại AIT thấy tôi nhìn theo Nhung, giới thiệu: “Đó là Nhung, một trong những sinh viên Việt Nam gây ấn tượng nhất đối với tôi về tinh thần vượt khó”.

Sau đó, qua các buổi sinh hoạt của cộng đồng lưu học sinh Việt Nam tại AIT tôi mới có dịp tìm hiểu Nhung nhiều hơn.

Sinh ra và lớn lên ở Bạc Liêu, tuổi thơ Nhung được mẹ nuôi dưỡng bằng những điệu lý câu hò vùng sông nước trù phú mênh mông. Ký ức trong cô còn đọng lại hôm nay là những thân phận nghèo khó nơi quê hương cô với những con người chân chất.

Người mẹ tần tảo một nắng hai sương chỉ có một mơ ước duy nhất, làm sao để cho Nhung có thể tự nuôi lấy thân mình, còn Nhung thì nghĩ đơn giản, học để có chút kiến thức giúp cho những người nông dân nghèo ở quê hương, nhất là những người đồng cảnh ngộ như cô.

Nhung tâm sự: “Có thể nói nỗi đau đớn lớn nhất của tôi khi còn trẻ là mỗi lúc nhìn chúng bạn cùng trang lứa nô đùa. Tuy thế, cái khốn khó của gia đình tôi và tình thương của mẹ càng làm tăng thêm nghị lực trong tôi để trong suốt thời thơ ấu tôi phải cố sức học. Từ lớp 1 đến lớp 10 tôi phải chuyển trường đến 3,4 lần vì công việc nay đây mai đó của mẹ”.

Những tháng ngày tuổi thơ phải rày đây mai đó vẫn không hề làm tắt lụi ý chí vươn lên mãnh liệt của người con gái tật nguyền này. Cuối cùng Nhung cũng trở thành sinh viên của trường Đại học Cần Thơ. Bước chân vào ngưỡng cửa đại học đối với người bình thường đã là một thách đố, với Nhung đó là cả một sự chinh phục muôn vàn khó khăn.

Vượt qua những năm tháng khó khăn ở giảng đường đại học, năm 2000, Nhung tốt nghiệp ngành sư phạm Anh văn nhưng cô lại phải đối mặt với những thách thức mới, đó là việc làm.

Thời điểm đó, hễ nghe nơi nào có nhu cầu tuyển dụng, cô cũng tìm tới nhưng rồi lại phải quay về nhà trọ với nỗi thất vọng. Cuối cùng, như một định mệnh, Nhung đã tới sinh hoạt tại câu lạc bộ khuyết tật thành phố Cần Thơ và đã tìm thấy ở đó một mái ấm gia đình thực sự.

Sau vài năm tham gia, Nhung được tín nhiệm bầu làm Phó chủ nhiệm CLB. Hiện nay, ngoài thực hiện các dự án tài trợ của các tổ chức phi chính phủ, CLB còn xúc tiến dạy nghề và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu.

Nhung là cầu nối để đưa các sản phẩm mỹ nghệ quảng bá đến mọi nơi. CLB của cô cũng đã nhận được nhiều sự trợ giúp của các tổ chức phi chính phủ như Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).

Phía trước là bầu trời   

Năm 2001, cô lại tiếp tục học bằng đại học thứ 2 tại Đại học Kinh tế TPHCM, ngành Tài chính kế toán. Đang học dở năm 4, Nhung nhận được học bổng của Ford Foundation, một nhà tài trợ “khó tính” nhất hiện nay, để học tiếp chương trình thạc sỹ tại AIT.

Khả năng tiếng Anh của Nhung đã giúp cô rất nhiều trong thời gian học tập và nghiên cứu tại đây. Nhung như một con thoi chạy từ trường này sang trường khác để kịp course (ở AIT sinh viên học theo tín chỉ, và họ có quyền được chọn học bất kỳ course nào của trường nào thuộc học viện, miễn là đủ tín chỉ cho 1 học kỳ, và được giáo sư hướng dẫn chấp thuận).

Mới nhìn thấy cô ở khoa Quản lý tài nguyên, lát sau đã thấy cô ở thư viện hoặc ở Khoa Quản lý kinh tế. Không biết cô lấy sức lực đâu để có thể giữ mãi nhịp độ học tập như thế. Vì thế, Nhung đã để lại rất nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng các giáo sư và sinh viên các nước khác tại AIT, như là biểu trưng lòng hiếu học của người Việt Nam.

Một tối cuối tuần, tôi tìm tới phòng Nhung ở, một căn phòng đầy đủ tiện nghi mà nhà trường và nhà tài trợ đã ưu ái dành cho cô. Vừa tiếp khách vừa online tìm tài liệu học tập vừa nấu ăn.

Hỏi về ước mơ của Nhung, cô chỉ cười mà không trả lời. Khi đề nghị Nhung cho vài lời khuyên đối với người cùng cảnh ngộ, Nhung nói thật lòng: “Anh đừng viết nhiều về Nhung. Nhung thật sự gặp nhiều may mắn hơn những người khác mà thôi”.

Tôi biết rằng, cái may mắn của Nhung nếu có, cũng bắt nguồn từ những nỗ lực không mệt mỏi của cô để nắm lấy cơ hội, để được sống, học tập, để được đi đến tận cùng ước mơ của mình. Bởi, như lời Nhung nói không đi làm sao đến được đích, cho dù những bước chân của Nhung còn khó khăn gấp bội lần những người khác.

Tôi tin Nhung sẽ đi đến tận cùng để đạt được ước nguyện của mình, như lời của một bài hát mà Nhung đã từng hát trong buổi gặp mặt sinh viên Việt Nam tại AIT: ...Và sao không là hạt giống xanh đất mẹ bao dung. Và sao không là phù sa dâng mỡ màu cho hoa. Sao không là đàn chim gọi bình minh thức giấc. Sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư... 

Theo Nguyễn Đai Anh Tuấn
(Sinh viên tại AIT - Thailand)
Tiền Phong