Nhà tuyển dụng yêu cầu "IT phải biết sửa mạng", ứng viên đứng hình

Tuệ Nhi

(Dân trí) - Trong quá trình tìm kiếm công việc phù hợp, không ít bạn trẻ vỡ mộng vì tin tuyển dụng "hứa một đằng, làm một nẻo".

Nhân viên IT phần mềm là phải biết "sửa mạng internet"

Khoa Minh cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học bước ra khỏi cánh cổng giảng đường với tâm thế tự tin sẽ kiếm được công việc ưng ý.

Song, thực tế lại "tát một cú đau điếng" khiến anh tỉnh mộng và hiểu rằng thị trường lao động vốn dĩ khắc nghiệt hơn mình nghĩ rất nhiều.

Các bản tin tuyển dụng được đăng nhan nhản trên khắp các website, hội nhóm mạng xã hội. Đọc lướt qua, anh nhận thấy, thông tin việc làm phong phú với những lời hứa hẹn hết sức bùi tai.

Với lĩnh vực công nghệ thông tin, mức thu nhập nhà tuyển dụng đưa ra là từ 25 triệu đồng trở lên. Điều đáng nói, đa phần ở mục yêu cầu kinh nghiệm, nhà tuyển dụng đều để thông tin "từ 6 tháng kinh nghiệm". 

Nhà tuyển dụng yêu cầu IT phải biết sửa mạng, ứng viên đứng hình - 1
Khoa Minh từng thắc mắc khi nhà tuyển dụng yêu cầu "nhân viên IT là phải biết sửa mạng internet" (Ảnh: NVCC).

Anh khá an tâm vì bản thân đã có nửa năm làm việc bán thời gian ở cùng vị trí công việc ứng tuyển. Hồ hởi đến phỏng vấn, anh nhận được thông tin hoàn toàn trái ngược so với những gì công ty đăng tải trước đó.

Theo đó, ở vị trí nhân viên IT viết phần mềm, anh còn phải kiêm thêm các công việc khác như "sửa mạng internet nếu có vấn đề, hỗ trợ kiểm tra, bảo trì máy tính trong công ty...".

Khi bày tỏ sự khó hiểu của mình, anh nhận được câu trả lời: "Đó cũng là cách để em trưởng thành hơn trong công việc mà" hay "thông tin đưa ra chỉ để tham khảo". 

Nhận thấy công việc thực tế và bản tin tuyển dụng "hứa một đằng, làm một nẻo", Khoa từ chối lời mời vào vị trí nhân viên viết phần mềm.

 "Lần đó, người tuyển dụng không hài lòng khi nghe mình nói rằng bản thân cảm thấy không phù hợp với công ty. Mình cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm cá nhân, giữa tin tuyển dụng và thực tế công việc khác nhau nhiều quá, mức lương cũng không đạt được như kỳ vọng mà thấp hơn nhiều so với thông tin ban đầu.

Bản chất một cuộc phỏng vấn tuyển dụng, cả phía công ty và ứng viên có vai trò ngang bằng nhau. Một bên cần công việc, một bên cần nhân viên thực hiện công việc. Mình không hề xin xỏ điều gì, nên mình nghĩ mọi quyền lợi nhận được phải xứng đáng với công sức bỏ ra", anh cho hay.

Viết nội dung kiêm luôn chạy quảng cáo, thiết kế hình ảnh

Gặp câu chuyện tương tự, Thùy Linh (25 tuổi, làm việc tại TPHCM) cảm thấy khá ngán ngẩm trước việc các công ty đăng tải thông tin tuyển dụng "treo đầu dê bán thịt chó". 

Có hơn 2 năm kinh nghiệm làm content (nội dung) nên Linh tự tin ứng tuyển vị trí công việc này khi đọc được tin tuyển dụng từ một công ty gần nhà.

Nhà tuyển dụng yêu cầu IT phải biết sửa mạng, ứng viên đứng hình - 2
Nhân viên phải "ba đầu sáu tay" mới giải quyết hết được công việc (Ảnh minh họa: Shutterstock).

Trước đó, ở cùng vị trí, công việc của cô chủ yếu là lên các kế hoạch và triển khai tin bài theo từng tuần, tháng để quảng bá sản phẩm cho nhãn hàng trên nền tảng Facebook hoặc website. Bởi thế, cô cũng mang theo tinh thần này khi đến phỏng vấn tại công ty mới.

"Những thông tin họ đăng tải khá phù hợp với những gì mình mong muốn. Hơn nữa, công việc cũng có phần tương đương so với các trải nghiệm của mình. Nhưng đến khi phỏng vấn trực tiếp mình mới "ngã ngửa". Hóa ra, vị trí content ở đây là phải kiêm nhiệm thêm chạy quảng cáo, thiết kế hình ảnh...

Dù kiêm nhiệm nhiều công việc nhưng mức lương đưa ra chỉ là của một vị trí nhân viên content thôi. Mình cảm thấy giống như đang bị công ty lừa, vì thông tin tuyển dụng một đằng mà thực tế một nẻo. Sau lần đó, mỗi khi có bên nào gửi thư mời phỏng vấn mình phải trao đổi rõ ràng luôn, tránh mất thời gian của cả hai bên", cô gái trẻ nhớ lại.

"Phỏng vấn ngược" lại nhà tuyển dụng

Steve Adcock - Chuyên gia về nghề nghiệp và tài chính cá nhân, chủ nhân của một blog về sự độc lập tài chính khuyên, đừng bao giờ bỏ qua cơ hội đặt câu hỏi khi cuộc phỏng vấn kết thúc.

Nhà tuyển dụng yêu cầu IT phải biết sửa mạng, ứng viên đứng hình - 3
Để tránh rơi vào trạng thái quá tải, ứng viên cần nắm rõ các công việc trước khi quyết định vào làm chính thức (Ảnh minh họa: Shutterstock).

Steve Adcock đã nhận những người đặt ra những câu hỏi sâu sắc thay vì ra về sớm ngay khi kết thúc buổi phỏng vấn. Những câu hỏi hay nhất cho thấy rằng bạn muốn trở nên có giá trị ngay lập tức đối với nhóm và bạn có tư duy cầu tiến.

Một số câu hỏi có thể được đặt ra cho nhà tuyển dụng bao gồm: "Thách thức thường xuyên phải đối mặt trong công việc này là gì?", "Các dự án quan trọng nhất hiện tại của công ty là gì?", "Liệu công ty có giao cho tôi những dự án mà tôi có thể học hỏi và sử dụng các kỹ năng mới không?", "Công ty có cung cấp các chương trình đào tạo cho nhân viên không?".