Những người “đội lốt” sinh viên tình nguyện

(Dân trí) - Những người đi xe ôm, phát tờ rơi, bán nước và cả “cò” nhà trọ … chẳng khác nào một sinh viên tình nguyện khi khoác lên mình chiếc áo xanh. Nhiều thí sinh, phụ huynh bị nhầm, còn sinh viên tình nguyện thật lại bị “oan”…

Trước cổng trường HV Hành chính Quốc gia, một hàng nước cực kỳ được các phụ huynh “ưu ái” ngồi nghỉ chân vì cô bán nước trở nên đăc biệt và “hút khách” với chiếc áo xanh tình nguyện có dòng chữ sau lưng: Học viện Hành chính Quốc gia - Sinh viên tình nguyện. 
Những người “đội lốt” sinh viên tình nguyện - 1
Nữ sinh tình nguyện” bán nước trước cổng HV Hành chính Quốc gia.
 
Nhưng cũng không ít người thắc mắc đặt câu hỏi cô bán nước này là sinh viên tình nguyện của trường hay người bán hàng. Hơn nữa, HV Hành chính lại có nước phục vụ thí sinh, phụ huynh nên việc có “nữ sinh tình nguyện” ngồi bán nước tại đây làm nhiều người thắc mắc và hiểu nhầm. “Một mặt thì quảng cáo là có nước miễn phí, mặt khác lại tổ chức bán nước”, một vị phụ huynh lên tiếng sau khi phải trả tiền cốc trà đá 2.000 đồng.
 
Khi tôi hỏi cô gái nước: “Em có phải sinh viên tình nguyện?”, cô cười: “Không ạ, em chỉ bán nước ở đây thôi”. Biết tôi nhầm cô nói tiếp: “Chiếc áo tình nguyện của em từ năm ngoái, em khoác để chống nắng”.
 
Nhiều sinh viên tình nguyện của trường khẳng định cô gái bán nước này là nữ sinh của trường nhưng không trong đội sinh viên tình nguyện. “Bạn ấy mặc gì bọn em không cấm được nhưng em biết là bạn ấy cố tình. Người đến uống nước nhiều hơn, hơn nữa nếu các chú công an có đến “dẹp” vỉa hè thì hàng nước “tình nguyện” này cũng không bị “sờ gáy”. Một nữ sinh tình nguyện ngồi trông đồ đạc cho thí sinh buồn bã trước sự việc làm ảnh hưởng đến hình ảnh của sinh viên tình nguyện của trường.
 
Những người “đội lốt” sinh viên tình nguyện - 2
Anh xe ôm áo xanh này lập tức quay lưng khi thấy ống kính máy ảnh. (Ảnh chụp trước cổng trường HV Hành chính Quốc gia chiều 9/7).

Đây không phải là trường hợp duy nhất “mượn” áo xanh thanh niên tình nguyện để kiếm tiền. Trước vỉa hè của trường, một nam thanh niên chạy xe ôm  cũng mặc chiếc áo xanh tình nguyện dừng xe chờ khách. Chính nhờ chiếc áo mà anh ta trở nên đắt khách hơn khi rất nhiều phụ huynh tin tưởng gọi xe.

Tại các điểm thi khác quanh khu vực này như ĐH Ngoại thương, HV Quan hệ Quốc tế… xuất hiện rất nhiều “sinh viên tình nguyện” phát tờ rơi cho các công ty.

Khi thấy nhiều sinh viên tình nguyện trường ĐH Ngoại thương hỏi: “Bạn là sinh viên tình nguyện trường nào đó?”, một thanh niên phát tờ rơi cho trung tâm tin học mặc chiếc áo xanh in dòng chữ: “Sinh viên tình nguyện”  lắc đầu trả lời mình không phải là sinh viên.

“Em vừa tốt nghiệp hệ CĐ trường ĐH Công nghiệp, đi phát tờ rơi mấy ngày thi cho người ta kiếm thêm tiền thôi. Còn chiếc áo này, công ty chuẩn bị sẵn, yêu cầu mình mặc để phụ huynh và thí sinh thêm phần tin tưởng”, cậu thanh niên này nói.
 
Những người “đội lốt” sinh viên tình nguyện - 3
“Cò” nhà trọ trong chiếc áo sinh viên tình nguyện “bắt khách” trên đường Nguyễn Chí Thanh trưa ngày 7/7.

Mấy ngày trước, tại các bến xe hay ở cổng trường thi cũng xuất hiện  nhiều người “mượn” áo thanh niên tình nguyện để “chài” phụ huynh, thí sinh thuê nhà trọ, đi xe ôm. 

Bác Đậu Văn Mùi, quê ở Bắc Ninh, có con thi vào trường ĐH Luật cho hay, ngày 7/7 bác đưa con lên trường thi tìm chỗ trọ thì gặp hai cô cậu mặc áo xanh tình nguyện đến hướng dẫn tìm nhà trọ. Sau đó hai người này dẫn cha con bác đến khu trọ ở đường Hoàng Ngọc Phách với giá thuê trọ chỗ ở tập thể 70.000đồng/người/ngày.

“Tôi cứ tưởng các cháu viên tình nguyện chỉ cho mình chỗ trọ miễn phí hoặc giá rẻ. Ai dè đến nơi mới biết đó là con cháu của mấy bà chủ nhà trọ”, bác Mùi bức xúc.
 
Những người “đội lốt” sinh viên tình nguyện - 4
Không ít kẻ xấu đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của các bạn sinh viên tình nguyện. (Ảnh: Sinh viên tình nguyện ghi tên lên đồ đạc của thí sinh).

Bác Mai Thị Nhung (Thái Nguyên) có con thi vào HV Hành chính cho hay kể sáng nay, hai mẹ con chờ tuyến xe buýt 26 nhưng xe đông quá không lên nổi. Một cậu “thanh niên tình nguyện” đi xe máy đến nói đèo hai mẹ con đi, bác lên ngay không hề bận tâm giá cả. Ai ngờ đến nơi cậu ta đòi bác Nhung phải trả 40.000 đồng cho đoạn đường chưa đến 5 cây số.

“Đi đắt đã đành nhưng uất ức nhất là cảm giác mình bị lừa. Mà sinh viên tình nguyện bây giờ lạ thật, còn đi buôn nữa cơ đấy!”, bác Nhung chép miệng.

Trong những ngày thi cử, không ít kẻ xấu “đội lốt” sinh viên tình nguyện để làm ăn. Chính điều này đã gây không ít hiểu lầm cho thí sinh và phụ huynh về đội ngũ sinh viên tình nguyện.

 Hoài Nam