Những "người lao động ồn ào" thích khoe mẽ, tỏ vẻ bận rộn

Ngô Trung Dũng

(Dân trí) - Chuyên gia đào tạo tại văn phòng cho rằng, việc liên tục khoe mẽ bản thân có thể tạo ra bầu không khí cạnh tranh hơn là hợp tác.

André Spicer - giáo sư hành vi tổ chức, Đại học London, Anh - đặt ra thuật ngữ "những người lao động ồn ào".

Nói về "những người lao động ồn ào", Nicole Price - chuyên gia đào tạo văn phòng và lãnh đạo - cho biết, đây là những nhân viên chú trọng nhiều hơn vào việc cho người khác biết về những gì họ đang làm hoặc dự định làm trong tương lai, thay vì bắt tay vào thực hiện.

Người lao động "ồn ào", "làm màu"

Price chia sẻ cách để nhận biết "người lao động ồn ào": "Có hai cách để nhận biết dễ dàng. Đầu tiên, bạn không thấy công việc được hoàn thành nhưng họ nói rất nhiều về những gì họ đang làm sẽ thật tốt.

Thứ hai, những "người lao động ồn ào" thường tỏ ra hiểu biết về chính trị và rất tích cực chia sẻ trên các mạng xã hội - nơi họ công khai về công việc và thành tích của mình".

Những người lao động ồn ào thích khoe mẽ, tỏ vẻ bận rộn - 1

"Người lao động ồn ào" thích nói về những dự định, kết quả trong tương lai thay vì thật sự làm việc (Ảnh: iStock).

Vicki Salemi - chuyên gia nghề nghiệp tại cổng thông tin việc làm Monster.com - cho biết: "Người tự tin khẳng định bản thân trong công việc chọn thời điểm lên tiếng để làm nổi bật công việc của họ.

Trong khi những "người lao động ồn ào" có thể khao khát sự chú ý và thích "làm màu", khoa trương những điều họ làm được ngay cả khi điều đó không có gì đặc biệt".

Nicole Price cho rằng, những người lao động "làm màu" do họ thiếu tự tin, cảm thấy bất an về hiệu quả công việc của mình. Một số người lại thích nhận được sự công nhận từ bên ngoài hơn là hoàn thành tốt công việc. Điều này dẫn đến việc tập trung "đánh bóng" bản thân, phô trương những điều họ làm.

Salemi chỉ ra rằng, những "người lao động ồn ào" có thể cảm thấy cần liên tục đề cao bản thân vì họ không được công nhận bởi sếp hay đồng nghiệp. Hoặc có thể là một thái cực khác, họ quá tự tin về công việc của mình và muốn khoe khoang. Tuy nhiên, điều này không nên xảy ra thường xuyên.

Tác động tiêu cực

Các chuyên gia cho biết, nếu bạn là nhân viên ồn ào, hành vi của bạn có thể tác động tiêu cực đến mọi người xung quanh và thậm chí cả sự nghiệp của bạn.

"Việc luôn lấy lòng bạn và khiến mọi người cảm thấy khó chịu, đặc biệt là các đồng nghiệp của bạn, là điều khiến bạn chán nản", Vicki Salemi nói.

Những người lao động ồn ào thích khoe mẽ, tỏ vẻ bận rộn - 2

Chỉ chú trọng khoe mẽ, "làm màu", "người lao động ồn ào" khiến đồng nghiệp có cái nhìn tiêu cực (Ảnh: iStock).

Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy, việc tạo ra môi trường tự đề cao bản thân trong các nhóm làm việc có thể làm giảm sự gắn kết giữa các thành viên.

Chuyên gia Nicole Price cho biết, những "người lao động ồn ào" có thể tạo ra môi trường làm việc mà họ luôn đánh giá cao bản thân hơn kết quả thực tế làm được. Điều này có thể làm mất động lực của những nhân viên trầm tính hơn hay những người chú trọng đến chất lượng công việc.

Cô nói thêm: "Việc liên tục "làm màu", khoe mẽ bản thân có thể tạo ra bầu không khí cạnh tranh hơn là hợp tác. Điều này dẫn đến sự mất cân bằng cảm xúc, tác động tiêu cực đến tinh thần của mọi người xung quanh". 

Những "người lao động ồn ào" ở nơi làm việc có thể gây khó chịu nhưng điều quan trọng là phải đặt ra ranh giới tốt nhất có thể.

Trong cuộc họp, những "người lao động ồn ào" chỉ tập trung phô bày thành quả công việc của họ, bạn có thể thông báo thời gian có giới hạn và cần đi trực tiếp vào vấn đề.

Đối với Price, người lãnh đạo nên đảm bảo rằng, tất cả thành viên được đánh giá dựa trên hiệu quả công việc thực tế, không dựa vào sự phô bày thành tích. Điều này khuyến khích mọi người tập trung vào công việc của họ và đảm bảo những thành viên trầm lắng hơn được ghi nhận đúng mức.