Sinh viên “khốn đốn” đi thực tế

(Dân trí) - Nghe thông báo sắp có đợt thực tế ra các tỉnh phía Bắc cả lớp đều hào hứng. Vừa có cơ hội đi đây đi đó vừa tích lũy thêm kiến thức, nhưng khi nghe các khoản tiền phải đóng thì nhiều sinh viên lo “méo mặt”.

“Chạy việc cả ngày mà vẫn không đủ”

Tháng 4 vừa qua, lớp 06CDL, khoa Địa lý (trường ĐHSP Đà Nẵng) có đợt đi thực tế ra các tỉnh phía Bắc: Hà Nội, Sa Pa, Vịnh Hạ Long… trong 9 ngày. Mỗi sinh viên phải đóng góp 1,7 triệu đồng gồm các khoản tiền xe, tiền ăn, tiền ở… Ngoài ra nhà trường hỗ trợ cho mỗi bạn 140 ngàn đồng. Dù được thông báo trước 2 tháng nhưng nhiều sinh viên vẫn thấy “hoang mang”.

“Mỗi tháng bố mẹ em chỉ gửi cho em 800 ngàn. Mà số tiền phải nộp bằng số tiền gửi cho em hai tháng. Nghe thông báo em hoảng luôn”- Hiền sinh viên lớp 06CDL cho biết.Sau khi nghe thông báo, Hiền tức tốc gọi điện báo cho bố mẹ biết để chuẩn bị. Trong nhà nuôi được hai con lợn, bố mẹ Hoa cũng đành phải bán đi để gửi cho con. “Nhận tiền bố mẹ gửi mà em thấy thương bố mẹ quá”, Hiền ngậm ngùi.

Còn Thanh (lớp 06SDL) thì bộc bạch: “Từ khi nghe thông báo đi thực tế ngày nào em cũng lo không biết lấy tiền đâu mà đóng. Vừa ra tết là em lo tranh thủ đi dạy kèm để kiếm thêm chứ từng đó tiền bố mẹ em không chạy đâu ra ngay được”.Trong tháng ba vừa qua, lớp 05SLS, khoa lịch sử (ĐH SP Đà Nẵng) cũng có chuyến thực tế vào các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. “Đi thực tế thì thích thật nhưng cũng không ít bạn sinh viên phải vất vả vì nó. Trong lớp không phải nhà bạn nào cũng khá giả nên việc đóng tiền khá nan giải. Cá biệt có bạn lên xe chuẩn bị đi mới “lộ” ngân sách”.

Mai là con gia đình nghèo. Để có tiền học Mai phải đi dạy kèm, nhất quyết không xin tiền bố mẹ. Kiếm tiền nuôi bản thân mình đã vất vả rồi bây giờ phải đóng ngay hai triệu đồng, Mai không biết “mò” đâu ra: “Hai tháng trước đi thực tế, em phải vắt chân lên mà chạy. Tăng suất dạy thêm và kiếm vài việc nữa để làm. Cuối cùng vẫn lo không kịp, em đành phải xin bố mẹ”.

 Nỗi ám ảnh "giật gấu vá vai"

Nhiều sinh viên nhà giàu, đi thực tế là cơ hội để họ tiêu tiền, ăn chơi vì nó đơn thuần chỉ như một chuyến đi du lịch.Còn đối với các bạn sinh viên nghèo thì đi thực tế là “nỗi ám ảnh” đối với họ. “Biết đi thực tế là vui nhưng bây giờ mà nghe thông báo đi thực tế là Quang lại run cả người”. Lúc chuẩn bị đi đã vất vả. Đi về cũng vất vả không kém. Không chỉ nộp từng đó tiền là xong, trong quá trình đi còn phát sinh nhiều chuyện. Nhiều bạn chưa về đến nhà đã hết tiền tiêu đành “muối mặt” xin thầy cô cho ghé thẳng về nhà để bố mẹ viện trợ. Nhiều cô, cậu đành phải ăn uống tằn tiện qua ngày chờ bố mẹ gửi tiền sau. “Nửa tháng từ ngày đi thực tế về hầu như ngày nào em cũng ăn mì tôm”, Hiền mếu máo kể lại.

Một số sinh viên khác trước khi đi thực tế phải vay bạn bè nên đi về cũng lo làm để kiếm tiền trả cho bạn. “Nay giá cả cái gì cũng tăng sinh viên đã khổ lắm rồi. Thêm một chuyến đi thực tế nữa là bọn em chắc “quệ” luôn”. Còn Thanh thì mong muốn: “Sang năm bọn em lại có một chuyến thực tế nữa. Nếu nhà trường có thể giúp đỡ thêm, hoặc năng động tìm nguồn hỗ trợ, thì không đến mức đi thực tế trở thành “ác mộng”.

Đi thực tế giúp các bạn sinh viên trải nghiệm thực tế, tìm kiếm được những kiến thức bổ ích nhưng đi kèm luôn là chuyện phải “giật gấu vá vai” lo kinh phí. Không biết đến bao giờ sinh viên mới “nhẹ lòng” trong mỗi lần “đi một ngày đàng, học một sàng khôn” này.

Khánh Hồng